Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Dòng họ - nguồn mạch truyền thống

Ở Việt Nam, dòng họ bền vững trong nếp sống cộng đồng. Lịch sử của một làng có khi từ một gia đình sinh cơ lập nghiệp. Gia đình lớn dần thành chi, thành phái. Tổ họ đồng thời là Thành hoàng, thành tổ nghề và họ truyền cho con cháu hậu duệ giữ lấy nghiệp lấy nghề, giữ lấy truyền thống làng xã, tổ phụ. Bởi thế mối liên kết dòng họ tưởng như không thành văn, thành luật nhưng vô cùng chặt chẽ, không chỉ một vài đời con cháu mà nhiều nơi hội đồng gia tộc truyền đời tới vài ba chục thế hệ.

Quê nghèo (Ảnh: vuongquangthai)

Trong cuốn tộc phả dòng họ Nguyễn Ðình ở Nghệ An, mở đầu trang trọng truyền lại cháu con: "Muôn vật sinh ra là nhờ có đất trời, con người sinh ra là nhờ có Tổ tiên. Lòng biết ơn Tiên tổ từ bao đời nay đã là nét cao đẹp trong nhân cách con người. Biết ơn Tổ tiên, con người có thêm sức mạnh tinh thần để yêu giang san, xã tắc, có thêm hạnh phúc bền lâu với đời...". Mới hay, việc lập đền, thờ cúng Tổ tiên chứa đựng trong đó tâm thức hướng tới đạo nghĩa làm người ở trong trời đất.

Mối liên kết tộc họ bằng nhiều cách riêng, tùy tập quán địa phương, những quy thức của từng họ mà lâu đời trở thành nền nếp, thành tập quán và truyền thống. Tuy nhiên tính tương đồng mang tính phổ quát. Dòng họ có nhà thờ Tổ. Ngày giỗ, con cháu thập phương tìm đường về thắp hương, dâng lễ tạ ơn Tiên tổ, trời đất. Ðây cũng là dịp các chi xa chi gần tìm về nhận họ hàng, phân định trên dưới, anh em. Những cuộc đoàn tụ như vậy thường diễn ra vào ngày giỗ tổ, hoặc tháng 3, tháng 7 âm lịch, nhằm vào tiết Thanh Kinh hằng năm. Ðó là những dịp gặp gỡ ấm tình huyết thống và cảm động. Cháu con chung sức xây dựng tôn tạo nhà tờ, sửa sang phần mộ. Ðây cũng là dịp để họ đương chi phái kiểm điểm lại những việc cháu con đã làm, những công tích đáng ghi. Theo đó cuốn gia phả, tộc phả có dịp ghi thêm vào truyền thống của dòng họ mình đời này qua đời khác.

Hằng năm, cứ đến ngày 28 tháng 2 âm lịch tại làng Kim Ðôi tỉnh Bắc Ninh dù ai đi đâu về đâu cũng nhớ về giỗ Tổ để tự hào về tổ tiên dòng họ. Trong số 25 tiến sĩ của làng mà bia đá còn ngời ngời nơi Quốc Tử Giám, có tới 18 vị tiến sĩ dòng họ Nguyễn với 13 đời nối tiếp đỗ đại khoa. Ðặc biệt trong đó có 1 gia đình 5 anh em đỗ tiến sĩ trong 4 khoa thi Ðình liên tiếp. Hiếu học là một bằng chứng của truyền thống văn hóa dòng họ. Nhưng không chỉ có thế. Trong gia đình, họ đương nhiều đời truyền lại cháu con nghề truyền thống mà nay thường gọi là nghề gia truyền. Nghề ươm tơ dệt vải, nghề rèn, nghề mộc, nghề chạm khảm, nghề đúc đồng, nặn tượng v.v... Khởi thủy của dòng nghề đó là từ một gia đình, một dòng họ.

Dòng họ trong cuộc sống cộng đồng người Việt mang đậm bản sắc văn hóa. Cây có gốc có rễ, người có nguồn có cội. Bởi thế mà nhiều người Việt, dù đã sống xa Tổ quốc nhưng vẫn hướng lòng về xứ sở, về nguồn cội thiêng liêng của mình. Mấy năm về trước, dòng họ Lý đã đón tiếp hậu duệ một quân vương họ Lý phiêu bạt sang Hàn Quốc. Tính đến nay đã ngót 9 thế kỷ mà con cháu họ Lý vẫn không nguôi nhớ về Tổ tiên xa xưa của mình. Nhiều Việt kiều xa nước, chưa có điều kiện về lại quê hương, đã gửi tiền về cho Hội đồng tộc họ để góp phần mình tu tạo nhà thờ, phần mộ Tổ tông.

Nhiều người tâm huyết với văn hóa dòng họ đã để công trong nhiều thập kỷ nghiên cứu, sưu tầm hệ thống những tinh hoa, truyền thống của dòng họ Việt Nam nói chung cũng như của một số dòng họ đặc sắc trong lịch sử, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển văn hóa dân tộc. Cuốn sách công phu "Tìm hiểu di sản văn hóa gia đình Việt Nam", hay "Cuộc hành trình trở về cội nguồn" v.v... Ðặc biệt có những cuốn gia phả như trong "Thiên Nam liệt truyện Nguyễn Cảnh Thị Hoan Châu ký" chép lại một dòng họ từ giữa thế kỷ 17 lại nay.

Tại câu lạc bộ UNESCO, thông tin các dòng họ Việt Nam cách đây không lâu đã tổ chức thành công hội thảo mang tên "Dòng họ với truyền thống văn hóa dân tộc". Nhiều tham luận có giá trị như một công trình nghiên cứu văn hóa đặc thù Việt Nam.

Họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phan, họ Ðặng... trăm họ tạo nên dân tộc. Trăm ngàn nhà tạo nên làng xã, làm nên Ðất Nước. Nhà có yên thì nước mới vững. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Quan niệm về Dân-Nước, về Làng-Nước quyện vào trong hình tượng Tổ quốc, Dân tộc. Dân tộc trường tồn trong nguồn mạch văn hóa cộng đồng. Dòng họ đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong quá trình dựng nước và giữ nước. Gìn giữ bản sắc dân tộc, truyền thống cùng với phong tục tập quán văn minh, tạo nên nếp sống của dân tộc. Tìm về dòng họ, tìm về cội nguồn chính là tìm về truyền thống tốt đẹp của dân tộc của đất nước mình.


Theo http://hanoi.vnn.vn/vanhoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.