Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Xây dựng Nếp sống mới ở khu dân cư

XÂY DỰNG NẾP SỐNG VĂN HOÁ Ở KHU DÂN CƯ
Khu dân cư là một thôn, một bản, một khu phố…gồm một cộng đồng người cùng chung sống, đoàn kết đùm bọc lấy nhau. Do đó xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư là một nhu cầu cần thiết cho mỗi gia đình và cả cộng đồng. Thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Những năm gần đây phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, theo tiêu chí tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên địa bàn tỉnh ta, đang phát triển tốt.
Trước thời ông cha ta, sống dưới chế độ phong kiến. thực dân đô hộ, cuộc sống tuy nghèo túng, khó khăn. Những biểu hiện văn hoá, được xem như một tiêu chí để đánh giá một con người. Và nó vẫn còn nguyên giá trị, đến ngày hôm nay. Bước vào thế kỷ XXI, thời đại CNH – HĐH, cha, ông chúng ta và nhiều người đã lớn tuổi, vẫn giữ được chuẩn mực đạo đức, kính trên nhường dưới, kính thầy, cô giáo, tôn trọng tín ngưỡng. Được thể hiện qua lời ăn, tiếng nói, cách xưng hô, ứng xử, qua giao tiếp hằng ngày, tình làng, nghĩa xóm , êm ấm, đoàn kết.

Vậy mà tất cả những điều đẹp đẽ đó, lớp con cháu hiện nay không phải ai cũng học theo. Mà ngược lại còn cho là lạc hậu, cổ hủ, phong kiến. Nhiều em học sinh gọi thầy, cô giáo dạy mình ông nọ, bà kia, cãi lại ông bà, cha mẹ, anh chị. Hiếm thấy một cô, cậu học sinh cầm tay dắt một cụ già, một người thương binh, tàn tật qua đường, nhường chỗ ngồi khi đi tàu, xe. Thay vào đó là những cử chỉ ngông cuồng, tóc tai bờm sờm, đi xe máy thì lạng lách, đánh võng. Bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng người khác, xem ra câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” ở nhà trường chưa thật sự được coi trọng

Văn hoá là khái niệm trừu tượng, không thể quy thành điều khoản, nó chỉ tồn tại trong sinh hoạt cuộc sống cộng đồng ở khu dân cư. Những biểu hiện tưởng như rất nhỏ, rất đơn giản, nhưng nghiêm túc để đánh giá lại thấy nó phản văn hoá, gây mất trật tự nơi công cộng: Như thanh niên, trẻ em, uống rượu, bia, cười nói lăng nhăng, ồn ào trong ngày tang, đám hiếu, mở đài to nơi công cộng… Và cứ thế hết lớp thanh niên này, đến lớp thanh niên khác, không ai chịu rút kinh nghiệm, để sửa sai. Thậm chí nhiều thanh niên không chịu học hành, lười lao động, đua đòi, chỉ thích tìm cảm giác lạ, cảm giác mạnh, lao vào con đường chích hút ma tuý, xì ke, đàng điếm, mại dâm, dẫn đến bệnh tật HIV/AIDS.

Nếp sống trong cuộc sống vốn rất đẹp đã tồn tại từ bao đời nay, trong mỗi gia đình, trong cộng đồng dân cư. Giữa con người với con người, một cử chỉ, một tác phong, một lời nói đều có thể biểu hiện rất văn hoá. Nhưng ngược lại chỉ cần vượt giới hạn một chút thôi, cũng trở thành thiếu văn hoá, mất lịch sự. Ví như trong một buổi họp mặt lớp, hay gặp mặt đồng hương, trong một chuyến giao lưu…Nếu chỉ dừng lại bên chén trà, cốc nước, trò chuyện, ca hát thì cũng đã rất hay. Nhưng đã là giao lưu phải có cốc bia, chén rượu mới vui, thể hiện tình cảm giữa chủ và khách. Nhưng cũng thật đáng tiếc rượu vào lời ra, dẫn đến ồn ào. Nhiều cá nhân không làm chủ được bản thân, quá chén, không biết mình là ai, từ chỗ nói năng nhẹ nhàng, xưng hô lịch sự. Chuyển sang mày tao, chi tớ, lộn xộn, em không biết chị, biết anh, làm mất vẻ đẹp cả buổi vui.

Thanh niên ngày xưa khi gặp nhau chủ yếu chuyện trò, tâm sự, bàn cách làm ăn, học hành, nói chuyện tình yêu đôi lứa, giao lưu văn hoá, văn nghệ hát giao duyên. Còn thanh niên hiện nay thực dụng hơn, khi gặp nhau chủ yếu nói về vật chất, ô tô, xe máy, điện thoại di động thế hệ mới, “trang WED hay” ăn uống, nhậu nhẹt…

Do đó việc đánh giá, xếp loại khu dân cư văn hoá chỉ mang tính tương đối. Nhưng để việc phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp trong cộng đồng dân cư. MTTQ và chính quyền các cấp, các ngành, cần quan tâm hơn nữa, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hoá đến khu dân cư, đến từng hộ gia đình. Qua giáo dục để mỗi gia đình, khu dân cư tự có ý thức giáo dục con cháu, duy trì nếp sống đậm nét bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Từng bước tô đẹp thêm cuộc sông văn hoá của người Việt Nam trong thời kỳ CNH - HĐH .
Thanh Đàn
Nguồn:http://www.baolangson.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.