Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Tác phẩm "Đời sống mới" của Bác Hồ"

NĂM ĐINH HỢI ẤY BÁC HỒ VIẾT TÁC PHẨM "ĐỜI SỐNG MỚI"

Nguyễn Thị Thọ

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã rất chú trọng tới công tác vận động nhân dân xây dựng đời sống mới và xem đó là biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ những tàn dư lạc hậu. Đồng thời, đó cũng là biện pháp để từng bước giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức được tính ưu việt của chế độ mới và trách nhiệm của mình đối với xã hội, nhận thức được quyền làm chủ của nhân dân do cách mạng đem lại. Chỉ đạo và động viên phong trào, đầu năm Đinh Hợi 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới với bút danh là Tân Sinh. Ngày nay, tác phẩm Đời sống mới của Bác vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự nóng hổi của nó, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Bác.
Thông qua tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi người dân Việt Nam thực hiện đạo đức mới, đó là đạo đức cách mạng. Theo Bác, muốn có đạo đức cách mạng thì phải thực hiện cho được bốn điều, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính. Phải phát huy những tinh hoa về truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách v.v… Bác viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”(1).
Đời sống mới bao gồm: Đời sống mới riêng cho từng người và đời sống mới cho cả cộng đồng, tập thể. Về tinh thần, phải yêu Tổ quốc, quan tâm đến lợi ích chung, không kiêu căng, không nịnh hót, không tham lam, không bủn xỉn. Phải ham học, một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa sáng, biết rồi thì học thêm nữa.
Với tác phong thiết thực, cụ thể, Bác còn chỉ rõ một cách tỉ mỉ việc xây dựng đời sống mới ở trong một nhà, một làng, một trường học, trong bộ đội, trong công sở, trong nhà máy. Thực hiện đời sống mới là phải giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính, nếu không làm được như vậy, thì “dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(2).
Để mọi người dễ hiểu và làm đúng tinh thần của bốn chữ cần, kiệm, liêm, chính, Bác Hồ đã diễn giải một cách ngắn ngọn, dễ hiểu, dễ nhớ về nghĩa của từng chữ. Còn nhớ trước khi viết tác phẩm Đời sống mới, vào đầu năm 1946, trong bức thư gửi cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”. Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm… thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh (như tự tư, tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.
Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(3).
Lời Bác dạy cách đây 60 năm về trước vẫn còn nguyên tính thời sự, khi nước ta đã gia nhập WTO, trong bước đường hội nhập và phát triển, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tiếp thêm lửa cho công cuộc xây dựng đời sống mới. Và trước mắt, việc nêu cao và thực hành cần, kiệm, liêm, chính vẫn luôn là nội dung cơ bản trong mỗi cuộc sinh hoạt chi bộ, là việc làm thiết yếu hằng ngày trong đời sống mỗi đảng viên.
____
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.94-95. (2) Sđd, tập 5, tr.104. (3) Sđd, tập 4, tr.167.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.