Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Gia đình văn hóa và văn hóa gia đình

VĂN HÓA GIA ĐÌNH VÀ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

THS. TRẦN THỊ TUYẾT MAI - Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa, thông tin và Du lịch

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để gia đình Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, xây dựng văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đòi hỏi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

1 - Vai trò của gia đình và văn hóa gia đình

Khi nói về vai trò của gia đình, cụ Phan Bội Châu đã khẳng định: Nước là một cái nhà lớn, nhà là một cái nước nhỏ. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân - Gia đình (tháng 1-1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”(1). Nhiều thập kỷ qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi, nhưng tổ chức của gia đình không biến đổi nhiều. Gia đình là tế bào của xã hội, do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ, trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình. Gia đạo là đạo đức của gia đình như đạo hiếu, đạo ông bà, đạo cha con, đạo vợ chồng, đạo anh em. Đạo hiếu là hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự theo lễ tiết, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh. ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là bảo đảm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa không thể tách rời việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá từ góc độ văn hóa giađình. Nghĩa là, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và tiêu chí gia đình văn hóa hiện nay phải dựa trên những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đồng thời trong quá trình xây dựng gia đình văn hóa phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình, lấy gia đình làm “pháo đài” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường. Xây dựng gia đình văn hóa là xây dựng mô hình gia đình Việt Nam hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu chúng ta cần vươn tới và thực hiện là xây dựng gia đình văn hóa truyền thống, hiện đại. Xây dựng gia đình văn hóa là vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã hội. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong vòng 5 năm qua, các tòa án địa phương trong cả nước thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó có 186.954 vụ việc về hôn nhân và gia đình có hành vi đánh dập, ngược đãi, chiếm 53,1% trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình trong tổng số 65.929 vụ án về hôn nhân và gia đình, chiếm 60,3%. Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của quốc hội, cứ 2-3 ngày có 1 người bị chết liên quan đến bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình đang diễn ra ở nhiều nơi, ở mọi đối tượng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của gia đình và văn hóa gia đình. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc đã nêu: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.”(2)

Văn kiện của Đảng ta đã xác định: “Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa”, phong trào “Người tốt, việc tốt”, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam…”.(3) Nghị quyết Đại hộiX của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(4).

2 - Gia đình và văn hóa gia đình trước những thách thức của tiến trình hội nhập

Hiện nay, nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình Việt Nam, làm cho gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách, sóng gió. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động.

Từ thực tế trên, chúng ta thấy việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình văn hóa có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình.”(5)

Như vậy, gia đình là một vấn đề lớn, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Xây dựng gia đình văn hóa - một mục tiêu quan trọng thường xuyên của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trong thời kỳ đổi mới. Kể từ năm 1960, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được khởi nguồn từ thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, qua 4 thập kỷ, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được các cấp ủy, chính quyền, ngành văn hóa - thông tin từ trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo nên đã duy trì thường xuyên và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3 - Giá trị văn hóa gia đình và xây dựng giá trị văn hóa gia đình trong thời kỳ mới

Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21-2-2005, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đề cao giá trị văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa là mục tiêu vừa có tính chiến lược, vừa có tính cấp bách trong sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Do đó, công tác xây dựng văn hóa gia đình và phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong giai đoạn mới cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến cơ sở nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa gia đình và công tác xây dựng gia đình văn hóa; coi đây là một trong những động lực quan trọng quyết định thành công sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy và chính quyền các cấp phải đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chương trình kế hoạch công tác hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, tiếp tục giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, từ đó đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình. Giáo dục văn hóa gia đình là xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất cao quý theo nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới… có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước.

Thứ ba, chú trọng các biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa và nội dung các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản ánh không thực chất phong trào và chất lượng gia đình văn hóa. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của nhân dân, công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải được tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những giá trị mới tiên tiến cần tiếp thu và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới, đề xuất hướng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hóa.

Thứ tư, phải có sự đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa kết hợp với phương châm xã hội hóa, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội. Thường xuyên tổng kết, sơ kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đánh giá kết quả phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa từng giai đoạn kết hợp với các phong trào khác để đạt được hiệu quả thiết thực, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức thành công Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc các cấp và Hội nghị toàn quốc (tổ chức tại Hà Nội vào quý III năm 2007) nhằm tôn vinh, nhân rộng điển hình các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc để nêu gương cho toàn xã hội. Đồng thời đưa hoạt động này thành định kỳ thường xuyên của các cấp từ trung ương đến địa phương.

Thứ năm, phải thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức văn hóa gia đình và nội dung công tác xây dựng gia đình văn hóa cho cán bộ chỉ đạo hướng dẫn phong trào xây dựng gia đình văn hóa các cấp, nhằm trang bị kiến thức xây dựng gia đình văn hóa trong đời sống xã hội hiện đại để cập nhật trước yêu cầu đổi mới của thời đại và có định hướng hướng dẫn nhân dân thực hiện lâu dài./.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t9, tr 523

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 60.

(3) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 737.

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 103-104.

(5) Xây dựng gia đình văn hóa trong sự nghiệp đổi mới, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr 18

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 17 (161) NĂM 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.