Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Lễ tang người Việt

Cũng như mọi hiện tượng văn hoá khác, tang ma với những nghi lễ, phong tục gắn liền với nhận thức, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng tộc người có những biến đổi theo những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.
* Tục lệ tang ma chung và một số địa phương
Phong tục lễ tang của người Việt nhiều thế kỷ qua thường được vận dụng theo tổng kết của Thọ Mai gia lễ, gồm hàng loạt các nghi lễ thể hiện qua từng thời đoạn: từ giờ phút lâm chung (đặt tên hèm, hú hồn, tắm rửa, thay y phục, ngậm gạo, tiền…), chuẩn bị quan tài (trừ tà , phạt mộc, khâm niệm - nhập quan, kê quan tài - thiết linh sàng…); phát tang (mặc đồ tang – thành phục cúng cơm – triêu tịch diện), đến chuyển cữu, yết tổ, trị huyệt, hạ huyệt…
Trên thực tế chỉ có những gia đình Nho gia, quan chức, giàu có mới có những điều kiện (từ vật chất, thời gian…) thực hiện đủ theo quy chế này. Chẳng hạn theo gia phả của dòng họ Vũ (An Cự, Vụ Bản) chép trường hợp đám ma của Kim tửu vinh lộc đại phu Phụ quốc Thượng tướng quân, Trung quân đô đốc Luân quận công. Ông mất ngày 19-12-1698, thọ 81 tuổi mà đến ngày 11-2-1699, mới “rước quan tài xuống thuyền”. “Quan quân hộ tống có đến 2.417 người, 20 thuyền lớn nhỏ, riêng xã An Cự có 120 đô tuỳ”. Ngày 14-2, đến bến sông “dân các xã 10 tổng thuộc huyện Thiên Bản chỉnh tề chiêng trống, cờ lọng, gậy hồng ra đón đông tới 1.465 người đều được mời cơm rượu, những người đánh chiêng trống cũng được chi tiền – Ngày 20 tháng 2 mới làm lễ an táng, ngay ngày hôm ấy làm lễ sơ ngu. Ngày 21-2 làm lễ tái ngu. Ngày 22-2, lễ tam ngu, ngày đó phân chia thịt rượu để đãi dân các xã, tổng trong huyện, không kể xã lớn, xã nhỏ, mỗi xã có một con trâu, lại đãi dân trong xã, tất cả già trẻ, trai gái cùng hào lý các xã đến phục dịch. Lại đãi các khách đến đưa tang, dự các lễ trăm ngày, tuần hè lễ Trung nguyên (rằm tháng bảy), tiểu tường (giỗ đầu), đại tường (giỗ hết tang) đều đãi cỗ chín, rượu thịt, không sơ suất, không điều tiếng gì”
Đối với đông đảo các thế hệ các gia đình bình dân ở làng xã, tuy thực hiện theo tinh thần của “gia lễ” trên nhưng có vận dụng chủ yếu cho phù hợp với gia cảnh và tục của làng.
Với người Việt, cái chết có phần đan xen (hay là không tách bạch) giữa phần đời thế tục với các tín niệm của cả Phật, Đạo, Nho (sau này có Thiên Chúa). Chết là mất (mất hết) về thể xác, và chết cũng là về, là bắt đầu (một cõi khác, kiếp khác) về với tổ tiên, ông bà, với Phật cảnh, tiên cảnh đầu thai sang kiếp khác. Nhận thức tâm lý ấy phản ánh khá rõ trong khá nhiều ngôn từ, trong các phong tục.
Coi cái chết là mãn kiếp, người già người chết là thác về, về với ông bà tổ tiên, là đi xa… Bản thân nhiều người có tuổi bình tĩnh, thanh thản chuẩn bị, đón nhận cái tất yếu này. Cỗ “hậu sự”, bộ đồ hải hội, mảnh đất để làm mồ - gọi là “nhà” được tự tay các cụ chuẩn bị lo sắm. Nhiều gia đình khi các cụ thượng thọ, đông cháu chắt thì tang ma còn được quan niệm làm làm “hội”, màu tang chế trắng, đen chìm đi trong khăn đỏ, khăn vàng.
Cái chết được coi là tiếp tục sống ở một cõi khác, là tiếp tục phần hồn nên con cái, gia đình không quên đặt “tên cúng cơm” để đến giỗ thì mời về. Gia đình sắm sửa cho người chết áo quần được coi là đẹp nhất, tươm tất nhất “sống mặc áo rách, chết chôn áo lành”, rồi gạo để ăn, tiền để đi đò (trong lễ Ngậm ngọc - phạn hàm).
Chết là kết thúc đối với cuộc đời thế tục, nên lễ tang lại là thể hiện cao nhất của xót thương, đau buồn. Với xã hội hàng nhiều thế kỷ chịu ảnh hưởng tư tưởng, thiết chế của đạo Nho, tang ma là dịp thể hiện tập trung, dễ nhận ra nhất (qua con mắt, dư luận, cộng đồng xã hội) của đạo hiếu. Con cái, người nhà muốn níu kéo trở lại bằng tục gọi ba hồn bảy vía từ nóc nhà để vang vọng thấu đến sâu xa, bốn hướng; phải chuyển hay biểu hiện tình cảm đó qua màu trắng, màu đen, mặc đồ tang bằng những xô, gai, bằng tiếng khóc tiếc thương, bằng tiếng kèn, tiếng trống, “sống dầu đèn, chết kèn trống”. Gia chủ phải dừng những việc vui, việc cưới, thi cử… trong thời kỳ tang trở.
Việc tang ma bao giờ cũng là dịp thể hiện tính cộng đồng, từ gia tộc, giáp, ngõ đến làng, xã. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, những phúng viếng đỡ đần với gia chủ khi tang ma bối rối trở thành lẽ ứng xử bình thường, thành đạo lý của cư dân.
Tang ma dẫu vẫn được coi là gia lễ, nhưng trên thực tế không bao giờ thoát ly khỏi cộng đồng làng xã. Theo hương ước có niên đại thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX còn lại của một số làng, xã có những quy định về tang ma. Chẳng hạn:
- Lệ của làng Hà Cát, năm Chính Hoà thứ ba (1682) quy định: Việc cấp tiền cho phu dịch trợ tang chia làm ba hạng: 60 quan, 40 quan và 20 quan. Chôn cất xong gia chủ bày cốc chén mời dân uống rượu, sửa lễ bánh, quả chia cho dân mỗi người một phần. Nếu người mất là bậc khoa bảng hoặc hương lão 70, 80 tuổi trở lên thì bản xã sửa một đôi câu đối vải trắng, một buồng cau đến chia buồn, phúng viếng.
- Lệ của làng Thanh Hương, soạn năm Gia Long thứ 9 (1810) chép: Gia chủ biện lễ đến xã trưởng xin cấp phu dịch rồi làm cỗ mời toàn dân đến ăn uống. Đến ngày chôn cất thì sáng sớm hôm đó gia chủ làm tiệc rượu mời các quan viên, kỳ lão, chức dịch, các phu trợ tang ăn uống chu tất. Gia chủ mang trầu cau ra cảm ơn. Xã trưởng ra điếm đánh 3 tiếng trống báo cho các phu táng tang vào nhà tang chủ dùng trà, trầu cau rồi đưa ma ra đồng. Tiền đưa tang chia làm 3 hạng: 70 quan, 300 miếng trầu; hạng 50 quan và 200 miếng trầu và hạng 30 quan và 100 miếng trầu. Sau ba ngày chôn cất gia chủ biện lễ tam sinh, trầu rượu, cho người đem trầu đi mời các vị quan viên, văn hội, các vị trợ tế đến tế. Tế xong đem rượu đến nhà thủ bạ, hội giáp rồi mời quan viên đến giáp uống rượu. Cỗ bàn xong sai người tiếp đãi trầu nước để tỏ lòng hiếu. Lại có lễ đem trầu cau đến mời xã trưởng và dân đến ăn uống. Xã trưởng nổi trống hiệu cho dân xã biết đến nhà hiếu chủ ăn uống. Cỗ bàn xong lại sai người tiếp trầu, nước để tỏ lòng cảm ơn mọi người. Không được tiếp đãi sơ lược để trọn đạo hiếu. Người trong giáp qua đời, bản giáp sửa một đôi câu đối vải trắng, một miếng thịt trâu, một vò rượu, một hộp trầu mang đến nhà tang chủ. Bản giáp cắt cử bốn người cùng vị thủ bạ đưa đám đến tận huyệt.
- Lệ của làng Diêm Điền, soạn năm Tự Đức thứ 13 (1859) viết: Hiếu chủ biện 30 miếng trầu đến nhà lý trưởng, lý trưởng cắt người tới giúp việc tang ma. Xong việc hiếu chủ nộp tiền lệ 12 quan, 100 miếng trầu cau, một vò rượu, số tiền đó để chi tiêu việc công, còn việc ăn uống thì tuỳ hiếu chủ. Nếu nhà khá giả, con cháu biện cỗ thịt lợn, rượu kính mời toàn dân đến theo nghi lễ Thọ Mai. Bản xã đến phúng bằng một đôi câu đối, đội nhạc hiếu đến chia buồn. Nhà nào bần hàn thì chỉ mời bản giáp đến giúp việc tống tang, còn bản xã chỉ cho đội nhạc hiếu đến chia buồn.
- Lệ vùng Cát Chử (Trực Ninh) để làng đưa tang thì phải nạp một số tiền, hoặc làm cỗ đãi đưa tang. Giá tiền đầu thế kỷ XX là: lễ ở giữa đường 2.000 đồng, lễ lúc lên xe 1.000 đồng, chỉ có lễ an táng là 800 đồng.
- Lệ ở làng Hàn Xuyên có ba hạng: hạng một có bánh dày biếu tất cả hương hào chức dịch, hạng hai có xôi, thịt, rượu biếu đủ các vị; hạng ba nạp 10 quan tiền.
- Lệ ở Thanh Trà, tổng Quế Hải (Hải Hậu): mỗi khi có việc tang chỉ nộp 30 quan xã sẽ đốc người lo tất cả các việc từ kèn trống, lễ bái, chôn cất. Ai vì tham ăn sách nhiễu, xã sẽ phạt ba quan và một mẵm xôi gà lễ “tạ quá” ở miếu thành hoàng. Nếu gia chủ biếu xôi thịt còn nóng xin chia, xã sẽ bớt đi 5 đến 10 quan hoặc hơn, xã không yêu cầu lễ biếu.
- Lệ của làng Vị Khê (Nam Trực) có bốn hạng: hạng nhất nộp 12 đồng, gấp hai lần hạng nhì, bằng bốn lần hạng ba và bằng 12 lần hạng tư,v.v..
* Tục lệ ma chay của giáo dân
- Khi tín đồ qua đời, linh mục được mời đến làm lễ xức dầu với nghi thức đã định trong thánh lễ và ngoài thánh lễ.
- Tín đồ qua đời, người nhà báo cho linh mục chính xứ, ban điều hành giáo xứ, họ đạo, Nhà thờ kéo chuông sầu, chuông tử hay chuông rình sinh thì. Qua tiếng chuông người đồng đạo biết người qua đời là nam hay nữ: theo cách bảy tiếng rời + ba hồi nhịp ba (cho nam giới), chín tiếng rời + ba hồi nhịp ba (cho nữ giới). Nghe chuông đồng đạo hướng về phía nhà thờ đọc Kinh lạy Cha.
- Thân nhân tụ tập đến đọc kinh “cầu cho người hấp hối mong sinh thì”.
- Người qua đời được đặt nằm trên giường, xung quanh có rắc hoa tươi. Ngoài những ngày không được đưa tang như trong luật quy định: chủ nhật mùa vọng, mùa chay, Phục sinh, các lễ trọng, thứ tư lễ Tro và Tam nhật vượt qua không được làm lễ an táng người qua đời mà phải dời vào ngày khác, người Công giáo không chọn ngày giờ lành dữ để đưa tang.
- Tín đồ qua đời được đưa vào nhà thờ làm lễ chồng mồ. Quan tài đặt quay đầu về cung Thánh ở chính giữa. Trên áo quan phủ vải đen có hình thập giá trắng. Các góc quan thắp nến. Số nến thắp ít hay nhiều, thời gian làm lễ dài hay ngắn, số bài hát ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào số tiền xin lễ của gia đình thân chủ. Khi đặt quan tài, dù ở nhà hay ở nhà thờ đều để người chết nhìn về bàn thờ Chúa, khi đưa đám, để chân người chết về phía trước.
- An táng: Người chết được đưa đi an táng. Đám tang đi theo thứ tự: cờ tang, quan viên, trẻ nam, trung nam, bát âm, vòng hoa, quan tài, thân chủ người qua đời.
Xứ, họ đạo không có nghĩa địa riêng, gia chủ phải mời linh mục đến làm phép huyệt. Người chết được đào sâu chôn chặt. Ngày nay, lễ tang tại các địa phương trong tỉnh được thực hiện theo quy ước về tổ chức lễ tang theo nếp sống văn hoá. Lễ tang ngày nay được quan niệm là việc gia đình, tập thể, xã hội, tổ chúc đưa người quá cố về nơi “an nghỉ cuối cùng”. Do đó, việc tang lễ phải trang nghiêm, biểu hiện tình cảm thương tiếc chân thành, thuỷ chung.
Gia đình người chết trong bất cứ hoàn cảnh nào đều phải khai báo với chính quyền cơ sở. Không để người chết tại nhà quá 48 tiếng. Trường hợp người chết vì bệnh dịch, gia đình phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ đạo của cơ quan y tế. Những người chết đột xuất không rõ nguyên nhân hoặc có dấu hiệu tội phạm phải được cơ quan chức năng khám nghiệm theo quy định của pháp luật trước khi khâm niệm. Người chết ở nơi khác (ngoài đường sông…) nếu đã đưa về gia đình phải quản tại nhà hoặc nơi thích hợp không cản trở giao thông và trật tự, vệ sinh công cộng.
Gia đình có người chết tổ chức khâm niệm và nhập quan sau khi chết không quá 12 tiếng đồng hồ, khâm niệm xong phải làm vệ sinh, tẩy uế sạch sẽ đồ dùng, giường nằm của người chết, không làm ô nhiễm môi trường. Khi khâm niệm không làm lễ phạt mộc, tống tiền, hú hồn, yểm bùa… không đưa người chết vào nơi thờ tự để làm lễ, các nghi lễ tôn giáo tiến hành tại gia đình tang chủ.
Quan tài được đặt nơi trang trọng. Trên bàn thờ có ảnh tưởng niệm và hương hoa, không bày cỗ trên nắp quan tài.
Các vị chức sắc tôn giáo được phép đến làm lễ tại gia đình người chết. Thời gian làm lễ không quá 45 phút. Nghiêm cấm các hình thức mê tín dị đoan. Các đoàn thể vào viếng nhanh, gọn, trang trọng. Ban nhạc có trang phục chỉnh tề, chấp hành đầy đủ các quy định trong lễ tang. Kèn trống loa đài phục vụ lễ tang từ 5 giờ đến 23 giờ cùng ngày. Đến giờ quy định, ban lễ tang, thân nhân và khách đưa tang tập trung trước linh cữu làm các thủ tục, đọc điếu văn. Khi đưa tang mọi người giữ thái độ nghiêm trang, yên lặng. Xoá bỏ các hủ tục như đội mũ rơm, lăn đường… không làm ảnh hưởng đến giao thông, trật tự công cộng.
Huyệt đào sâu ít nhất 1,5 mét. Khi hạ quan tài xuống huyệt, đắp mồ, dựng bia, đặt vòng hoa, thắp hương. Những quy định trên được hình thành và duy trì ở các địa phương Nam Định trong thời gian vừa qua, khi phong trào xây dựng nếp sống văn hoá được phát động, triển khai ở tất cả các địa bàn dân cư. Đại diện tang chủ có lời cảm tạ những người đưa tiễn.
Các nghi lễ 3 ngày, tuần đầu, 49 ngày, 100 ngày, giỗ hàng năm tổ chức gọn nhẹ. Ngày giỗ là ngày để anh em, con cháu, bà con thân thích đoàn tụ, gia đình tưởng nhớ người đã khuất, củng cố tình cảm trong tôn tộc, huyết thống.
Đối với việc tang ma của giáo dân, nếu trước kia thường “đào sâu, chôn chặt” thì hiện nay nhiều nơi cũng cải táng sau ba năm.Nghĩa địa có hai khu hung táng và cát táng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.