Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Tục thờ cá Ong của ngư dân ven biển

TỤC THỜ CÁ ONG CỦA NGƯ DÂN VEN BIỂN MIỀN NAM TRUNG BỘ

Tục thờ cá Ông là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của ngư dân ven biển nước ta, từ Thanh Hoá vào đến tận Kiên Giang. ở ven biển Quảng Ninh cũng có tục thờ cá voi trong những miếu nhỏ ở những nơi cá voi vào bờ hoặc nơi cá voi chết, song không có lăng thờ [23, tr.571]. Dọc theo bờ biển, hầu hết các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng.

1. Nguồn gốc tục thờ cá Ông ở ven biển Nam Trung Bộ

Tục thờ cá Ông là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của ngư dân ven biển nước ta, từ Thanh Hoá vào đến tận Kiên Giang. ở ven biển Quảng Ninh cũng có tục thờ cá voi trong những miếu nhỏ ở những nơi cá voi vào bờ hoặc nơi cá voi chết, song không có lăng thờ [23, tr.571]. Dọc theo bờ biển, hầu hết các làng chài đều có các lăng miếu thờ cá Ông với những nghi thức cúng tế hết sức trang trọng.

Các thư tịch cổ như Thối thực kí văn, Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí... đều miêu tả cá Ông tính tình hiền lành hay cứu người, là vật hiển linh, thường chỉ xuất hiện ở biển phía Nam, từ sông Gianh vào đến Hà Tiên.

Theo truyền thuyết của dân chài, thì tục thờ cá Ông bắt nguồn từ chuyện một chàng sĩ tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và hoá thành cá voi, suốt bốn mùa bơi trên biển để cứu người bị nạn.

Một truyền thuyết khác kể về việc Nguyễn ánh (sau này là vua Gia Long) trong quãng đời bôn tẩu của mình, được cá Ông cứu sống trong một lần thuyền sắp bị đắm, lúc đang bị quân Tây Sơn rượt đuổi trên biển (rất giống truyền thuyết phổ biến ở Vàm Láng thuộc xã Vàm Láng, huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Dạng truyền thuyết này cũng khá phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre... những nơi đã từng lưu dấu chân của Nguyễn ánh hoặc như truyền thuyết ở Bình Thuận kể rằng, vua Gia Long trong một lần ngự thuyền rồng ở Huế, chẳng may thuyền gặp phong ba, trôi dạt vào đến tận Bình Thuận. Vua được cá Ông cứu, đưa thuyền vào bờ, nhưng cá thì kiệt sức mà chết [28, tr.36]. Riêng ở thôn Quảng Hội (xã vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) lại có truyền thuyết liên quan đến Quan Công và ông Nam Hải. Một con phượng hoàng đẻ ra hai trứng, một trứng rớt xuống biển Đông hoá thành ông Nam Hải (cá voi) và trứng kia rơi trên đất liền, được một vị hoà thượng ấp trong đại hồng chung, sau 100 ngày nở ra Quan Thánh, vị này sau bị dẹp sau ót do chui ra từ trong chuông (?).

Còn sự tích nhà Phật kể rằng: Một hôm Phật Bà Quan Âm tuần du trên biển Đông, thấy dân lành đói khổ, thường xuyên phải ra biển kiếm ăn trong điều kiện mưa gió bão bùng, tính mạng có lúc bị đe doạ... Động lòng thương, Phật Bà đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình, quăng xuống biển, biến thành vô vàn con cá voi. Cùng với bộ xương voi và “phép thâu đường” (phép rút ngắn đường đi) đã được Phật Bà ban cho, cá voi làm nhiệm vụ cứu người giữa bão tố.

Trong thần thoại Chăm, cá voi vốn là hoá thân của vị thần Cha-Aih-Va. Vì nôn nóng trở về xứ sở sau thời gian rèn luyện phép thuật, Cha-Aih-Va đã cãi lời thầy tự ý biến thành cá voi, ra sông lớn mà đi và sau đó bị trừng phạt. Cha-Aih-Va đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thần Sóng Biển), cũng có lúc hoá thân thành thiên nga, trở thành ân nhân của những người bị đắm thuyền [10, tr.1]. Cũng theo thần thoại này (Bài ca Patan Gahlau), có một thời gian dài, vua cá voi sống ở Lào và người ta đã lập những ngôi đền ở đây để thờ phụng thần hộ mệnh [1, tr.117-118].

Và trong dòng chảy của tín ngưỡng này, cùng tồn tại ở vùng Nam Đảo (châu á), Nhật Bản những huyền thoại về các thần dạt vào từ biển. Đã có một truyền thuyết về con cá voi thần kì, chở đến cho người miền núi phía Nam Việt Nam một hài nhi cứu thế, giải phóng loài người khỏi bị đau khổ. Trong khi đó ở Campuchia lại không tìm thấy dấu vết gì về sự thờ cúng này [8, tr.122].

Tục thờ cá Ông vốn là tín ngưỡng của người Chăm (thuộc khu vực văn hoá Malayo - Polynési) mà những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu văn hoá và tín ngưỡng này đã ăn sâu vào kí ức cư dân ven biển thông qua việc tổ chức các lễ hội cúng cá voi hằng năm diễn ra trên vùng đất mới này [16, tr.24-27].

Ở miền Bắc, do ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, chuyên đánh bắt cá voi nên không có tục thờ này. Trong dân gian hay lưu truyền câu “Tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư” (ở miền Nam là thần, miền Bắc chỉ là cá) là vì vậy.

Về tín ngưỡng, đa số ngư dân Nam Trung Bộ theo đạo thờ cúng ông bà tổ tiên. Trong hoạt động ngư nghiệp, họ coi trọng việc thờ cúng các vị thần hữu hình và vô hình như Hà Bá, Ngũ vị Long vương, Bát Bửu công chúa, Các Bác, Bà chúa Xứ, Bà chúa Đảo, ông Sứa, Rái Cá, ông Nược (cá heo), bà Tám (rùa biển), Mộc Trụ thần xà, bà Lạch (rắn biển)... Tuy nhiên, cá Ông là vị phúc thần được ngư dân thờ cúng tôn nghiêm, kính tín với những nghi thức, lễ hội uy nghiêm nhất.

2. Đặc điểm thờ cúng

2.1. Nghi thức cúng tế

Về thời gian mở lễ hội cá Ông thì không có ngày thống nhất chung, mà mỗi nơi tuỳ thuộc vào ngày cá Ông đầu tiên luỵ hoặc ngày nhận sắc vua phong. Lễ hội này được tiến hành, coi như một hình thức “giỗ ông” vậy.

Quảng Nam - Đà Nẵng: Tam Hải (20/1 âm lịch), Thanh Khê (6/1 âm lịch), Mân Thái, Thọ Quang (26/1 âm lịch), Tân Chánh (16/2 âm lịch), An Vĩnh (20/2 âm lịch), An Bàng (15/1 âm lịch), Cẩm Thanh (10/2 âm lịch) [7, tr.46].

Quảng Ngãi: Bình Thạnh (18/1 và 15/8 âm lịch), Bình Thuận (15/2 và 15/8 âm lịch), Bình Dương (8/1 và 15/7 âm lịch), Nghĩa An (16/1 âm lịch), Phổ Thạnh (3/1 âm lịch).

Bình Định: Nhơn Hải (12/2 âm lịch), Đề Gi (10/4 âm lịch), Tiên Châu (15/12 âm lịch), lăng Ông ở số 72 Nguyễn Huệ, Quy Nhơn (5/2 âm lịch).

Khánh Hoà: Trí Nguyên (12/5 âm lịch), Khánh Cam (6/4 âm lịch), Cam Linh (16/7 âm lịch), Bá Hà 1 (16/2 âm lịch), Xương Huân (23/6 âm lịch), Cù Lao (16/6 âm lịch), Trường Tây (16-17/7 âm lịch), Vĩnh Trường (11- 2 âm lịch).

Bình Thuận: Thuỷ Tú (20/6 âm lịch), Bình Thạnh (16/6 âm lịch), Hưng Long (15-17 âm lịch), Hiệp Hưng, Bình Hưng (15-17/2 âm lịch), Liên Hương, Tả Tân (15-17/6 âm lịch).

Nhìn chung, ngày tháng cúng tuỳ thuộc vào ngày Ông “lụy”, ngày vua ban sắc phong hoặc theo phong tục, công việc làm ăn mà định ngày cúng, song hầu hết lễ cúng cầu ngư tập trung vào hai mùa xuân và mùa thu. Mùa xuân rộ nhất là cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch. Mùa thu rộ nhất là mùng 10/8 âm lịch, thời điểm kết thúc vụ cá. Lễ tế cá Ông thường kết hợp với lễ cầu ngư, lễ xuống thuyền hằng năm, mang tính chất tạ ơn thần thánh và cầu mong mùa màng bội thu tốt đẹp. Lễ hội được tổ chức trong ba ngày đêm liền, có nơi kéo dài đến năm hoặc bảy ngày đêm.

2.2. Đối tượng thờ tự

Trong tín ngưỡng thờ cá Ông, Nam Trung Bộ là địa bàn có nhiều sắc phong hơn so với Nam Bộ và được bảo quản ở tình trạng tốt. Cá Ông thường được phong với các thần hiệu như: “Đông Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”, “Nam Hải Đại Nam tướng quân”...

Lăng Ông ở làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, Tp. Quy Nhơn) hiện còn 6 sắc phong của vua Minh Mạng (1826), vua Thiệu Trị (1843, 1844), vua Tự Đức (1850), vua Đồng Khánh (1892) và vua Khải Định (1924) [19, tr.34].

Đình Trường Tây (Nha Trang, Khánh Hoà) có 9 sắc thần, trong đó có sáu sắc phong cho cá Ông vào các năm: Thiệu Trị thứ 3 (1843), Thiệu Trị thứ 7 (1847), Tự Đức thứ 3 (1850), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909). Các lăng Ông khác ở Khánh Hoà cũng thuộc loại có nhiều sắc phong trên địa bàn Nam Trung Bộ: Cù Lao (phường Vĩnh Thọ, Tp. Nha Trang, một sắc đời Khải Định thứ 5 - 1920), Xương Huân (Tp. Nha Trang, năm sắc), Cửa Bé (phường Vĩnh Trường, Tp. Nha Trang, bốn sắc), Bá Hà 1 (xã Ninh Thuỷ, huyện Ninh Hoà, bốn sắc), Lương Hải (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, một sắc).…

Dinh vạn Thuỷ Tú (phường Đức Thắng, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có 24 sắc phong, chỉ riêng đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) đã có đến 10 sắc phong; vạn Tả Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có 16 sắc, lâu nhất là sắc phong đời Minh Mạng thứ 5 (1824); vạn Nam Nghĩa có sắc phong đời vua Thành Thái (1900); vạn Long Hải, Liên Hương có sắc phong đời vua Khải Định; vạn Bình Thạnh, Phước Lộc (Lagi) có nhiều sắc phong đời các vua Nguyễn bị đốt huỷ lúc tiêu thổ kháng chiến sau năm 1945 [24, tr.43-44].

Sắc thần lăng Ông thôn Đông Hải:

Sắc Khánh Hoà tỉnh, Ninh Hoà phủ, Đông Hải thôn, phụng sự Đông Nam Sát Hải Lang Thát Nhị Đại tướng quân chi thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Kim phi thừa cảnh mệnh niễm thần hưu, trứ phong vi Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Hạ đẳng thần. Chuẩn kì phụng sự thứ cơ thần kì tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật.

ấn Sắc mệnh chi bảo”.

Dịch nghĩa:

Sắc cho thôn Đông Hải, phủ Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà nơi đang thờ vị thần Đông Nam Sát Hải Lang Thát Nhị Đại tướng quân, từ lâu đã giúp nước che dân nghe rất linh ứng. Trẫm thừa mạng lớn, xét đức mỏng nên luôn nghĩ đến sự linh thiêng của thần, nay đặc phong Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Hạ đẳng thần. Các người hãy theo đó mà phụng sự cho long trọng. Thần hãy giúp trẫm che chở dân đen. Kính thay!

Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) [3, tr.9]

(Phạm Hoàng Quân phiên âm và dịch nghĩa).

Trong các lăng Ông, thường ở chánh điện có bàn thờ ông Nam Hải, chỉ có một chữ “Thần” viết bằng chữ Hán hoặc chữ “Phước”, “Mặc tướng” và ngọc cốt trong quách. Bàn thờ không có tượng, ngai. Phía trên bàn thờ là bức đại tự lớn “Nam Hải chư thần”. Hai gian bên thờ Tả ban liệt vị và Hữu ban liệt vị với đầy đủ các đồ thờ cúng.

Trong số bảy bản văn tế bằng Hán Nôm trên địa bàn thị xã Hội An (Quảng Nam) thấy có cả một tập thể thuỷ thần, trong đó Nam Hải cự tộc ngọc lân (cá voi) ở vị trí thứ 8 trong số 60 đối tượng được thỉnh nhắc trong bài văn [20, tr.146].

Các lăng Ông ở Khánh Hoà trên chánh điện có bài vị thường ghi “Nam Hải cự tộc ngọc lân Đại tướng quân”. Trong các bản văn tế, ngoài “vị thần chủ” là Nam Hải, còn có cả các đối tượng khác trong hệ thống thần linh biển cũng được tỉnh nhắc đến như: Lý Ngư, Lý Lực, Hà Bá, ông Sứa, Rái Cá, ông Nược (cá heo), bà Tím (rùa biển), Mộc Trụ thần xà (rắn biển), bà Lạch, ông Hèo, cô Hồng (rắn biển). Đặc biệt, do đây là vùng đất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự giao lưu văn hoá Việt - Chăm, nên hầu hết các lăng Ông đều có ban thờ Thiên Y Ana với niềm kính tín rất sâu sắc của cộng đồng ngư dân.

Vạn Thuỷ Tú (Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thờ các vị thần là Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần, Thuỷ Long thánh phi nương nương tôn thần Thái hiệu tiên sư tôn thần. Phía sau chánh điện là nhà Tiền vãng thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công dựng làng, lập vạn. Trên địa bàn huyện đảo Phú Quý (thuộc tỉnh Bình Thuận), bên cạnh các bài văn tế nói đến các vị thần linh như thầy Nại, công chúa Bàn Tranh, bà chúa Ngọc hay thần phò trợ cho nghề nghiệp như bà Tằm, trong dân gian hiện còn lưu giữ khá nhiều văn tế bằng chữ Hán như: Nam Hải văn, Nam Hải bổn mạn kí văn, Thừa ân Nam Hải văn, Cáo cựu thần Nam Hải nhập liệm tân vị văn... [26, tr.860]

2.3. Lễ hội cúng cá Ông

Cũng giống như ở Nam Bộ, lễ cúng cá Ông ở các tỉnh Nam Trung Bộ về cơ bản là lễ cúng đình hằng năm.

Diễn trình tế lễ thần Nam Hải ở Quảng Nam - Đà Nẵng gồm năm phần với các lễ: lễ vọng (lễ cáo giỗ hay lễ tiên thường, có ý nghĩa báo cáo về việc cúng giỗ, tế), lễ nghinh Ông Sanh (nghinh Ông), lễ tế cô hồn, lễ chánh tế, lễ xây chầu bả trạo và hát hội [7, tr.37-38].

Các bước trong lễ hội cầu ngư ở Khánh Hoà là: lễ rước sắc, lễ nghinh thuỷ triều, lễ tế sanh, lễ chánh tế và hát thứ lễ.

Nghi thức cúng cá voi ở Bình Thuận bao gồm:

Chiều ngày thứ nhất: rước Ông Sanh, ngư dân đưa kiệu ra sông hoặc cửa biển, đọc văn tế, hát chèo bả trạo đưa Ông để rước Ông và các thuỷ thần về dinh lăng vạn an vị.

Sáng sớm ngày thứ hai: làm lễ cúng cáo yết và mổ heo, cắt phần lưng, bụng để nấu các món cúng lễ, phần còn lại để sống đưa lên bàn thờ chính điện để tế. Sau đó làm lễ dâng trầu, dâng rượu, đọc sắc phong, bài tế, hát múa bả trạo hầu Ông.

Buổi trưa đến chiều tối thường tổ chức cúng lễ khai diên, tổ chức múa hát bả trạo, hát tuồng tại nhà võ ca [27, tr.342-343].

Quy mô tổ chức lễ hội tuỳ thuộc vào tình hình thu nhập của từng địa phương, vì mọi chi phí đều dựa vào sự đóng góp tự nguyện trong vạn ghe. Năm nào biển được mùa, không xảy ra chìm ghe, chết người, hư mất phương tiện đánh bắt thì việc cúng kiến được tổ chức to hơn, các hoạt động vui chơi sôi nổi và phong phú hơn, hát bội kéo dài ngày hơn. Trâu bò, heo gà được giết thịt, ăn uống linh đình trong dịp cúng tế này.

2.4. Đám tang cá Ông

Cư dân ven biển từ Thanh Hoá vào đến phía Nam đều có tục thờ cá Ông. Do vậy, khi gặp cá Ông "luỵ" hay “lị”, ngư dân thường tổ chức mai táng rất chu đáo. Thông thường cá voi chết do bị cá ép, bị bệnh già, môi trường ô nhiễm, đôi khi cũng do vô ý vướng vào lưới đánh cá. Trường hợp cá bị sóng lớn đánh dạt vào bờ nhưng chưa chết, ngư dân sẽ tìm mọi cách đưa cá xuống nước, trở ra biển. Người đầu tiên thấy xác cá Ông được xem là trưởng tang, coi như con ông Nam Hải. Người đó phải đội dây rơm mũ bạc như để tang cha mẹ mình. Dân làng tổ chức đám tang và xem anh ta như một vị cao niên được trọng vọng trong làng. Nếu người đó là phụ nữ thì bị bãi miễn và trưởng tang phải là một người con trai trong gia đình. Người này ở địa phương nào thì được phép cung nghinh xác Ông về cấp táng ở lăng của địa phương đó và thường xuyên canh gác bên cạnh xác cá voi cho đến khi hoàn tất công việc ma chay.

Trong bài khảo cứu Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng Nguồn Sơn, tỉnh Quảng Bình (1901), Cadière mô tả: “Khi chôn cất, cá phải được phủ liệm trọn vẹn bằng vải hoặc lụa. Người đầu tiên thấy cá được mang tước là trưởng nam và thi hành phận sự ấy... Trưởng nam của cá voi cũng thi hành phận sự y như một trưởng nam trong gia đình với người quá cố. Ông ta bận áo chế đại tang, đội mũ rơm, áo rộng, xổ lai, gấu áo bẻ ra ngoài, một tấm vải nhỏ kết đằng sau, nghĩa là anh ta được xem như là người thân thuộc gần nhất của bậc linh thiêng vừa tạ thế. Chính anh ta là người sẽ cử hành mọi tang lễ và nhận nhiều ân lành nhất của cá voi” [6, tr.298].

Tuỳ theo ông Lớn hay ông Cậu, việc chôn cất cá voi có khác nhau. Theo ngư dân thì cá voi lớn gọi là cá Ông, nhỏ hơn thì gọi là cá Cô và cá Cậu. Ngoài ra, tuỳ theo địa phương và đặc điểm hình dáng, địa bàn hoạt động mà cá voi có nhiều tên gọi khác nhau: ông Khơi, ông Lộng, ông Chuông, ông Kìm, ông Xưa, ông Đựng, ông Hoa, ông Ngư, ông Thông, ông Máng, ông Thoi, ông Mun, ông Đăng, ông Hổ... Khi chôn cất ông Lớn, người ta xây bọc ván xung quanh, phía trên đổ cát trắng, nơi nào có điều kiện thì xây mộ tập thể bằng xi măng. Với ông Cậu thì an táng nơi mộ phần. Các lăng Ông đều có các khu nghĩa trang dành để mai táng cá Ông như Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có đến trên 300 mộ cá voi (lớn nhất nước), lăng Ông ở xã Xuân Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khu mộ có 60 - 70 hài cốt cá ông trên diện tích 1.000m2. Trên đảo Hòn Tranh (huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) có một ngôi mộ chôn đến 72 con cá voi chết tập thể vào năm 1925. ở Đầm Môn (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà) có trường hợp 11 con cá voi lụy cùng một lúc. Những nơi phát hiện được cá Ông chết dạt vào bờ mà quá lớn thì phải dùng đăng quây lại dưới bến cho thịt ruỗng mục ra. Ngư dân miền Trung quan niệm rằng nếu vùng biển nào có cá Ông chết tấp vào nhiều thì sẽ được mùa đánh bắt trong nhiều năm liền.

Trong lễ chôn cất cá Ông, có một điều giống nhau giữa các địa phương là người đầu tiên thấy cá Ông luỵ, trong đám tang phải ăn mặc như trưởng nam. Cụ thể là nón rơm sổ tưa, áo quần màu trắng, ống rộng, không vắt sổ, đường may lộn trái và một mảnh nhỏ gắn sau lưng và đi giật lùi trước linh cữu trong đám tang. ở Khánh Hoà, tang phục thường may bằng vải đỏ. Toàn thể ngư phủ trong làng có bổn phận tập trung đông đủ để cử hành lễ mai táng cho trọng thể. Trước đây thời gian hành lễ có thể từ ba đến 10 ngày tuỳ theo khu vực. Ngày nay lễ diễn ra trong ba ngày ba đêm, chi phí rất tốn kém.

Đúng ba năm, thịt cá voi rữa hết, người ta tiến hành lễ quật mộ, hài cốt đem vào lăng thờ, gọi là “thượng ngọc cốt”. Ngọc cốt được rửa bằng rượu trắng và phơi khô, do một ngư dân cao tuổi phụ trách và được cho vào các thùng, quách, khạp, niêm phong cẩn thận, đưa vào lăng thờ. Theo ngư dân, khi không trúng mùa cá, họ đến đây làm lễ rước ngọc cốt, đổ rượu trắng vào ngọc cốt, hứng lấy và đem rưới vào dàn lưới, cầu mong cho đánh bắt được nhiều cá tôm. Lăng Thuỷ Tú chứa hơn 100 bộ xương cá voi, trong đó có hàng chục bộ xương gần 200 năm tuổi. Lăng An Thạnh (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) hiện còn giữ trên 70 bộ xương cá voi, trong đó có bộ dài đến 25m (từ năm 1960) với trọng lượng cá voi trên 40 tấn, bộ xưa nhất là năm 1841 [13].

Ngoài việc chôn cất, người được coi là con ông Nam Hải phải chịu tang trong ba năm. Tang phục thay đổi tuỳ nơi, nhưng đều phải bịt khăn điều màu đỏ. Trong khi thọ tang, cử hành theo nghi lễ cổ truyền, hoàn toàn dựa vào Thọ Mai gia lễ nhưng rút ngắn hơn so với lễ tang người. Cũng theo ngư dân, trong thời gian chịu tang này, người trưởng nam luôn mạnh khoẻ, nhưng về đường tài lợi chỉ ở mức trung bình. Mãn tang, người này sẽ làm ăn thịnh vượng và gặp nhiều may mắn.

2.5. Kiến trúc lăng Ông

Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông gắn với một loại hình kiến trúc mà cư dân ven biển thường gọi là lăng. Tuỳ theo quy mô lớn nhỏ, ở mỗi địa phương có những tên gọi khác nhau: lăng, vạn, dinh, lạch, đình, điện, đền, miếu. Hầu như các làng ven biển làm nghề cá đều có lăng miếu thờ cúng thuỷ thần mà tiêu biểu nhất là cá Ông với thần hiệu “Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”. Một số địa phương cũng gọi ông Nam Hải với những tên khác như Đông Hải đại vương, Nam Hải thuỷ thần... Lăng Cô thôn Từ Thiện (Ninh Thuận) thờ bà Nam Hải đại vương (cá voi cái). Tương tự, các lăng thờ cá voi cái ở Cam Linh (thị xã Cam Ranh, Khánh Hoà - năm 1945, một con cá voi cái dài 4m bị lính Nhật bắn chết, trôi dạt vào bờ và được dân địa phương đưa vào lăng thờ cúng) và một số làng chài ở Ninh Thuận, từ Vĩnh Hi vào đến Cà Ná như ở Ninh Chữ, Sơn Hải, Cà Ná cũng gọi các lăng thờ cá cái là lăng Cô.

Ở Nam Trung Bộ, các lăng Ông phân bố dày đặc ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận. Quảng Nam - Đà Nẵng có 20 lăng, phường Mân Thái (quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng) có tới hai lăng. Chỉ riêng xã Hoà Tâm (huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên) có đến ba lăng thờ cá Ông. Tỉnh Khánh Hoà có 50 lăng dọc theo các huyện thị ven biển: Vạn Ninh (13 lăng), Ninh Hoà (15 lăng), Tp. Nha Trang (11 lăng), thị xã Cam Ranh (11 lăng), trong đó có 12 lăng phân bố trên các đảo. Mỗi xã phường ven biển trong tỉnh thường có một lăng, có nơi có đến hai, ba, bốn lăng (nhiều thôn trong một xã), thậm chí phường Vĩnh Nguyên (Tp. Nha Trang) có đến sáu lăng. Thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có hai điểm thờ. Bình Thuận có 26 lăng, dinh, vạn thờ cá voi, chỉ riêng huyện đảo Phú Quý đã có đến 9 lăng thờ thần Nam Hải.

Về niên đại, đa số các lăng Ông ở Nam Trung Bộ có niên đại lâu hơn các lăng Ông ở Nam Bộ, cá biệt có những lăng được thành lập rất lâu như: Thuỷ Tú (1762), được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia tháng 1-1996; lăng An Thạnh (xã Tam Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) xây dựng năm 1781; lăng Ông thôn Hưng Long (xã Nhơn Lý, Tp. Quy Nhơn) xây vào đầu thế kỉ XIX dưới thời vua Gia Long, trùng tu năm 1992; lăng Thạch Long (Tp. Phan Thiết) xây năm 1795.

Kiến trúc của lăng Ông cơ bản mang dáng dấp một ngôi đình, vừa mang chức năng tín ngưỡng vừa mang chức năng thế tục. Lăng thường được xây gần sông, biển và quay ra hướng đông. Lăng thường được chia làm ba phần. Phần trước là võ ca, coi như sân khấu, dùng làm nơi hát tuồng, chèo đưa Ông, hò bả trạo... trong các kì hội lễ. Phần giữa là chánh điện, thờ ngọc cốt cá ông (xương cá voi), các bài vị thuỷ thần, Tiền hiền, Hậu hiền. Phần nhà sau (có những trường hợp xây ra hai bên), dùng để hội họp, tiếp khách và là nơi phục dịch. Trước sân có bình phong chạm trổ long, li, quy, phụng.

Các lăng thờ cá Ông ở Khánh Hoà thường nằm trong các vạn chài, ở địa thế cao, thoáng, mặt hướng ra biển. Duy chỉ có lăng Ông phường Xương Huân (Tp. Nha Trang) nằm sâu trong nội ô (số 4 Lê Lợi) nhưng vẫn được ngư dân thờ cúng chu đáo (khuôn viên của lăng hiện nay đã bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá). Một số điểm thờ cá Ông nằm chung trong đình làng như: Trường Tây, Trí Nguyên, Trường Đông (Tp. Nha Trang), Bá Hà 1, Đông Hà (huyện Ninh Hoà). Lăng Ông Cù Lao (phường Vĩnh Thọ, Tp. Nha Trang) nằm trong cụm cơ sở tín ngưỡng dân gian gồm đình làng - ngôi tiền hiền - chùa làng - lăng Ông.

Lăng Ông Thuỷ Tú được xây dựng trên khuôn viên rộng 1.963m2 với diện tích xây dựng 530m2, kiến trúc hài hoà, cân đối theo dạng chữ tam, gồm chánh điện, tiền vãng và võ ca. Ban đầu, lăng chỉ là một ngôi nhà gỗ, lợp lá. Năm 1882, lăng được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương. Năm 1849, người ta xây tiếp võ ca và năm 1916 xây cổng tam quan. Nơi đây hiện đang lưu giữ bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam á và trở thành điểm tham quan văn hoá.

2.6. Các sinh hoạt văn hoá dân gian

Hát bả trạo còn gọi là hò đưa linh, chèo cầu ngư, hát bạn chèo đưa Ông là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ, gắn với tục thờ cá voi của cư dân ven biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu: “Các bản chèo - ít ra từ vùng nam Hải Vân đến sát Bà Rịa - đều có những văn bản giống nhau trên đại thể, để diễn xướng trong các lễ

Nguồn: http://info24h.net/?m=news&a=page_newsdetail&newsid=849&leveltwo=53&lang=vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.