Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Văn hóa công sở

Môi trường Văn hóa công sở: Còn nhiều điều cần làm

Môi trường văn hoá công sở được các nhà khoa học môi trường cũng như các nhà văn hóa rất quan tâm. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm về sau, khi mà trào lưu văn hóa ngoại nhập ào ạt tấn công vào đất nước ta.
Trong thời kỳ mở cửa, cùng với hội nhập và phát triển kinh tế, các luồng văn hoá nước ngoài cũng theo đó mà vào. Có nhiều luồng gió mát nhưng cũng không ít luồng gió độc. Làm sao điều chỉnh những hành vi ứng xử để bảo tồn văn hóa mà vẫn du nhập được văn minh, tiến bộ nhân loại? Điều này hết sức khó. Nó đòi hỏi mọi thành viên trong xã hội phải biết tự mình điều chỉnh quan điểm hành vi ứng xử sao cho phù hợp.
Cụ thể hơn, trong môi trường văn hóa nơi công sở hay các công ty, trong trường học, nhất là các trường đại học, phải là môi trường thử nghiệm, là trung tâm văn hóa ứng xử. Nơi đây trước hết, phải xây dựng, tôn tạo “môi trường văn hoá” và “văn hoá môi trường” lành mạnh, hài hòa và tiên tiến.

Về cách ứng xử văn hoá nơi công cộng.
Thử điểm lại các trường hợp mà văn hóa môi trường cần nhắc nhở. Ví dụ, một người có trình độ văn hóa cao, ăn mặc lịch sự, sang trọng nhưng chưa hẳn đã có trình độ văn hóa môi trường cao. Bởi vì người đó ngồi trên xe hơi, xe máy phân khối lớn, bóp còi inh ỏi, kể cả khi chạy qua trường học, bệnh viện. Thậm chí, các đức ông, đức bà này ăn quà, nhai kẹo cao su xong lại vứt qua cửa sổ, vứt ra đường, kể cả có trúng lên đầu ai đó cũng mặc kệ!
Trong công sở, mặc dù đã có nội quy cấm hút thuốc lá, có bảng cấm hút thuốc lá gắn trên tường, nhưng nhiều người, ngay cả giám đốc, phó giám đốc và trưởng, phó phòng... vẫn không chấp hành triệt để hay chỉ chấp hành chiếu lệ. Trong phòng làm việc đang mở máy lạnh, đông người, kể cả có phụ nữ đang mang thai, họ vẫn nhả khói thản nhiên!
Người ta có biết tác hại của khói thuốc đối với chính họ, với người hít khói thuốc thụ động và cả không gian môi trường không? Có biết! Nhưng tại sao họ không chấp hành? Đó là vì trình độ văn minh môi trường của họ còn thấp!
Cũng là chuyện hút thuốc lá nhưng nó lại liên quan đến ý thức xả rác và cháy nổ. Có những người quăng, vứt tàn thuốc một cách vô tư ra hành lang, cầu thang. Vứt nơi nào tiện tay họ, mặc dù gần đấy đã để sẵn thùng rác. Họ cứ vứt như vậy và khi có ai nhắc nhở thì họ đùa chữa thẹn: “Để người lao công quét dọn có việc mà làm chứ!”. Kiểu hành vi ứng xử này nơi nào cũng có, lúc nào cũng có và cần phải sớm khắc phục.
Có cô nàng nhân viên xinh đẹp, ăn mặc rất mô-đen nhưng lại thường dùng điện thoại cơ quan nói chuyện riêng cả hơn nửa tiếng. Còn mấy bà, mấy cô hễ hơi rỗi là kẻ đan len, người soi gương, tỉa lông mày...

Xưng hô nơi công sở là biểu hiện văn hoá
Trong cách ứng xử, xưng hô nơi công sở cũng phải có văn hóa! Có những nhà lãnh đạo cỡ “tầm tầm bậc trung” khi xưng hô với cấp trên, ngay cả trong hội nghị cấp tỉnh – thành, cứ “Thưa anh Hai, Thưa anh Ba, Thưa anh Sáu...”.
Văn minh công sở sao lại có anh Hai, anh Ba vào đây? Khi phát biểu một bài dài ba trang trong hội nghị thì mất nửa trang kính thưa, kính gửi từ trên xuống dưới. Khốn nỗi, vị trí các tên kính thưa này cũng phải đúng theo thứ bậc xã hội: bên Đảng phải thưa trước, bên chính quyền thưa sau... Nếu như người trình bày báo cáo mà thưa không đúng sẽ bị quở: “Phải thưa chú Sáu trước rồi mới đến thưa chú Tư chứ!”.
Các nước Âu Mỹ tiên tiến, hay ngay như Hàn Quốc, Đài Loan hiện nay, vào công sở, xưng hô là theo cấp bậc nghiêm chỉnh. Thậm chí là anh em, cha con trong một gia đình nhưng khi đến công ty, phải xưng danh và cư xử, làm việc đúng nội quy, phép tắc của công ty chứ đâu có “lộn xộn” được! Còn ngồi trong hội nghị, hội thảo, người báo cáo chỉ cần rất ngắn gọn: “Thưa quý bà, quý ông” (Ladies and Gentlemen!). Người xưa nói, y phục xứng kỳ đức là vậy!
Chức vụ cơ quan của người ấy là gì phải nói đúng chức danh ấy chứ. Là giám đốc thì phải “Thưa giám đốc”, hay chủ tịch thì “Thưa chủ tịch”, kèm theo tên của họ. Điều này các nước tiên tiến đã làm tốt, kể cả các nước châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc.

Những cách hành xử làm ô nhiễm môi trường văn hóa
Trong phòng họp, trời nóng, có mấy anh ngồi phanh ngực áo ra, thò tay vào vê vê ghét. Có người lại ngồi chồm hỗm, hai chân bắc lên ghế! Có người đang ngồi trong hội trường vẫn ngoáy mũi...
Thời kỳ bùng nổ thông tin, điện thoại mỗi người một chiếc. Khi trò chuyện bằng điện thoại di động, nhiều người không còn biết giữ ý, giữ tứ, làm phiền mọi người xung quanh, bất kể đó là khi đang làm việc hay họp hành. Thậm chí cả khi đang ngồi bàn chủ toạ, người ta vẫn mở máy nói chuyện trong khi tất cả mọi người chờ đợi. Xin nhớ, văn minh điện thoại di động là một khía cạnh của văn hoá môi trường công sở!
Vấn đề ăn mặc và đồng phục, có những công ty không có quy định chung. Vì vậy, có thể có rất nhiều kiểu ăn diện kỳ quái. Có người để hở ra một mảnh lưng rộng quá cỡ, xẻ quần, xẻ váy lên tận thắt lưng, trên vai trần vẽ, xăm hình con rồng con phượng hay quái vật nào đó. Nhìn thật xốn mắt, phản cảm!
Cứ cho là chuyện này có thể tạm chấp nhận được. Bởi nó xuất phát từ sự đa sắc thái của cá thể trong một quần thể. Ở đó có những cá thể muốn đám đông chú ý bằng sự loè loẹt!
Còn có chuyện môi trường văn hoá khó chấp nhận nữa là, các bà, các cô rỗi việc ngồi nói chuyện tào lao, nói xấu lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Tệ hơn, trong công sở còn có nhiều người có hành vi bè phái, hại nhau, tranh đoạt chức quyền...
Có những công ty hay cơ quan Nhà nước đụng cái gì cũng phải làm mâm cúng: cúng xe, cúng mở văn phòng, cúng rằm, cúng nhận công trình mới, cúng đấu thầu... Đến cả sếp cũng đốt hương vàng, giấy mã và đọc bài cúng dài, à ê như một bà thầy cúng chuyên nghiệp đích thực vậy! Đây không biết là môi trường văn hoá kiểu nào!
Thời buổi phát triển kinh tế trăm hoa đua nở, một chức danh giám đốc chỉ cần mua một bộ hồ sơ, một tuần sau là có ngay và cả con dấu... Ra đường là đụng giám đốc. Chính vì vậy mà mới có chuyện nhiều giám đốc ăn nói tục tĩu.
Có một vị trưởng phòng môi trường ở một tỉnh nọ, cứ mở miệng ra là chửi thề, nói tục. Vậy thì môi trường văn hoá ở đâu cơ chứ! Người viết đã từng đến một sở môi trường ở tỉnh nọ. Mới bước vào cơ quan đã ngửi thấy mùi hôi thối của hầm cầu, toilet... Tệ hơn nữa, khắp cơ quan tìm mãi không ra cái giỏ rác nào.
Ngoài ra, hiện nay còn có hiện tượng phổ biến là cặp bồ trong cơ quan. Có những đôi xuất phát từ tình cảm thực sự. Thế nhưng cũng có những đôi thấy người ta cặp thì cũng tìm người cặp cho vui, như là theo mốt vậy.
Ngẫm ra, môi trường văn hoá của ta còn nhiều điều cần bàn, cần làm lắm lắm!
Nguồn: http://natech.vn/Chitiettintuc/tabid/8428/ArticleID/102702/tid/8786/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.