Thứ Tư, 25 tháng 2, 2009

Ngày VH các dân tộc Việt Nam_19.4.2009



Bộ VHTTDL: Thông qua kế hoạch thực hiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2009
(Cinet) - Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã thông qua kế hoạch thực hiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2009, sẽ diễn ra tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mục đích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau hơn, gần gũi, quý trọng và hòa hợp nhau hơn, thu hẹp khoảng cách, xoá bỏ rào cản, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Các dân tộc nỗ lực cùng nhau phấn đấu thoát nghèo nàn, lạc hậu, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò và vị thế trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức.
Nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện kế hoạch “Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam” tập trung bốn mảng lớn sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá giúp các dân tộc- đa số và thiểu số hiểu về nhau hơn, gần gũi nhau hơn, quý trọng nhau, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong cả nước và ở từng vùng, từng địa phương, nâng cao ý thức tôn trọng, tương trợ giúp nhau về mọi mặt, nhằm khơi dậy trong lòng đồng bào các dân tộc ý thức tự giác, lòng tự hào, trách nhiệm của dân tộc mình trong ngày tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá hình ảnh và nền văn hóa của các dân tộc với cả nước và bạn bè quốc tế. Các hoạt động chính trong công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá như: Tổ chức các cuộc thi, các buổi nói chuyện chuyên đề cho mọi đối tượng, chú trọng tới thanh, thiếu niên và đồng bào các dân tộc thiểu số. Tăng cường tổ chức phục vụ sách lưu động tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xuất bản sách song ngữ bằng tiếng dân tộc- tiếng Kinh để tăng cường tủ sách cho các thư viện công cộng và các tủ sách văn hóa dân tộc ở cơ sở. Lồng ghép với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động, phong trào khác. Tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề văn hóa dân tộc nói chung và “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” để hưởng ứng Lễ công bố ngày 19/4/2009. Song song với tuyên truyền giáo dục, cần đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá giới thiệu hình ảnh, nét đặc sắc về giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội của các dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước. Hình thành bộ hình ảnh, tài liệu về 54 dân tộc Việt Nam; tổ chức các ngày phim, đợt phim về văn hóa 54 dân tộc…
Hai là, tổ chức các hoạt động cổ vũ và việc làm thực tế để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, lao động sản xuất, văn hóa, y tế, xóa đói giảm nghèo, sáng tạo văn học nghệ thuật. Cổ vũ và phát triển hoạt động văn hóa như: trân trọng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường giao lưu văn hóa, có biện pháp phù hợp hạn chế những tác động xấu của văn hóa ngoại lai. Cổ vũ phát triển giáo dục đào tạo với tinh thần đào tạo nhân lực cho các dân tộc để đồng bào dân tộc có năng lực lao động trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nền kinh tế tri thức. Cổ vũ và phát triển kinh tế theo các mô hình, đặc biệt chú trọng kinh tế hộ gia đình theo ba định hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển ngành nghề mới phù hợp và phát triển quy mô mới tương thích. Cổ vũ và phát triển hoạt động y tế, chăm lo công tác y tế ở tuyến cơ sở, đặc biệt với đồng bào các dân tộc, tập trung các hoạt động hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống bệnh tật. Động viên cổ vũ sáng tạo văn học, nghệ thuật; tập hợp, bình chọn các tác phẩm xuất sắc, biểu dương các sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề lao động sản xuất, văn hóa dân tộc…
Ba là, tổ chức các hoạt động thiết thực cơ sở tại các thôn, làng, bản, ấp… gắn tinh thần đoàn kết, bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc, cùng giúp nhau tiến bộ trong mọi mặt, đặc biệt là xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2009 tổ chức họp đánh giá những công việc đã thực hiện chính sách văn hóa dân tộc ở địa phương; lựa chọn một chủ đề hay một công việc có tính cấp thiết, thực tế để tập trung giải quyết bằng được. Bình chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách văn hóa dân tộc ở địa phương để biểu dương, tôn vinh, khích lệ…
Các hoạt động ở Trung ương được tổ chức theo chuyên đề, chủ đề thiết thực có sự kết nối nhất định với các địa phương để tạo thành chuỗi các hoạt động như lễ tôn vinh, hội nghị các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ…Các hoạt động, sự kiện được tổ chức trong năm có chủ đề của năm 2009 và phù hợp với nhóm vấn đề và vấn đề lớn của 3 năm, 5 năm tạo thành chuỗi tương hỗ, gắn kết, liên hoàn giữa chúng với nhau và giữa địa phương với Trung ương.
Trước mắt, trong năm 2009 tổ chức công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” hướng tới Lễ công bố vào ngày 19/4/2009; phát động, tìm kiếm, tôn vinh các sáng tạo, giải pháp hữu ích về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; phát triển kinh tế áp dụng cho vùng đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Sưu tầm và hoàn thành bộ tư liệu quảng bá giới thiệu về 54 dân tộc Việt Nam. Mở trang web về các chương trình hoạt động “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Tổ chức hội nghị các nhân sỹ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ…

Trong Quyết định số 1668/QĐ-TTg ban hành ngày 17/11/2008, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc xác lập "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" hàng năm nhằm mục tiêu sau:
1. Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
2. Tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc vì một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc;
3. Tuyên truyền, vận động làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi, quí trọng và hoà hợp nhau hơn, tương hỗ cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội;
4. Góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Việc tổ chức "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" hàng năm phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
1. Thiết thực, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời phải phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, xoá đói giảm nghèo của vùng miền, địa phương;
2. Đảm bảo nội dung hoạt động trọng tâm có chương trình mục tiêu cụ thể, kết nối với các hoạt động, chương trình của quốc gia, vùng miền địa phương;
3. Các hoạt động, việc làm phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thực tế của bà con các dân tộc ở cơ sở, không áp đặt, phải tôn trọng phong tục tập quán của các dân tộc; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia;
4. Ưu tiên các chương trình, hoạt động, việc làm thiết thực với đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số, tập trung cho công tác truyền thông.
Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch chủ trì, chỉ đạo thực hiện "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.