Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Lễ hội và ứng xử của người làm công tác quản lý văn hóa hiện nay

Phạm Quang Nghị

Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng, có tính phổ biến trong đời sống xã hội, có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Là sản phẩm sáng tạo của các thế hệ tiền nhân để lại cho hôm nay, lễ hội chứa đựng những mong ước thiết tha, vừa thánh thiện vừa đời thường, vừa thiêng liêng vừa thế tục của bao thế hệ con người.

Nói tới lễ hội không thể không nói tới yếu tố tín ngưỡng tâm linh mà hầu như lễ hội nào cũng có. Đấy có thể là tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ tổ tiên, hay thờ mẫu. Nhân vật trung tâm thường là những nhân vật lịch sử - văn hoá có công dựng nước, giữ nước, có công trong việc mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân như các vua Hùng, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Chử Đồng Tử, v.v... Người dân mở các lễ hội là để thể hiện niềm biết ơn thành kính của mình với các nhân vật lịch sử và văn hoá ấy. Thái độ uống nước nhớ nguồn này là một nét văn hoá đẹp đáng trân trọng của lễ hội.

Đến với lễ hội, con người vừa muốn gửi gắm, bộc lộ những ý nguyện thầm kín thiêng liêng hoặc bức xúc như cầu may, giải hạn hoặc muốn được giải toả và tự thể hiện mình trong các hoạt động tế lễ, vui chơi, giao tiếp. Lễ hội thể hiện thái độ, tình cảm ứng xử của con người trần thế với các nhân vật thiêng mà họ tin tưởng, phụng thờ, là nhân tố góp phần làm cân bằng đời sống tinh thần, tâm linh của con người cả trong lúc bất hạnh, âu lo hoặc mừng vui sung sướng. Chúng ta cũng biết rằng, niềm tin ấy chứa đựng đầy yếu tố xúc cảm, có cả những yếu tố tưởng tượng, phi lý, nên dễ dẫn tới mê tín dị đoan. Chính đặc điểm này dẫn tới những hiện tượng như bói toán, rút thẻ, đốt hương, đốt vàng mã tràn lan, buôn thần bán thánh v.v... Cũng đặc điểm này khiến xuất hiện trong lễ hội, ranh giới đôi khi hết sức mỏng manh giữa nhu cầu tín ngưỡng thành tâm và tự nguyện với sự mê muội . Vì thế, trong lễ hội có cả yếu tố tiêu cực lẫn yếu tố tích cực, đan quyện vào nhau đến mức khó chia tách được.

Mặt khác, lễ hội như một bảo tàng văn hoá dân gian lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hoá do các thế hệ tiền nhân sáng tạo. Một trò “nghiềm quân” ở lễ hội làng Giá (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây), những trò diễn Thánh Gióng đánh giặc trong lễ hội làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), những nghi lễ trong lễ hội thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn (tỉnh Hà Tây), ở Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), trò thổi cơm thi, trò thi đấu vật v.v..., trong lễ hội ở các làng quê là những sinh hoạt văn hoá dân gian mang đậm bản sắc dân tộc. Nét đặc biệt của lễ hội là những sinh hoạt văn hoá ấy được bảo tồn trong tâm thức con người từ thế hệ này qua thế hệ khác, rất ít thay đổi.

Khác các loại di sản văn hoá phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, văn học truyền miệng, lối sống, nếp sống v.v..., lễ hội, ngoài đặc điểm tồn tại trong tâm thức con người còn có đặc điểm gắn bó mật thiết với địa danh, di tích, như một yếu tố cấu thành không thể tách rời. Địa danh, di tích là môi trường tồn tại của lễ hội, là “không gian thiêng” của lễ hội. Vì thế, có thể nói, lễ hội là di sản văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo Luật di sản văn hoá, lễ hội là di sản văn hoá phi vật thể.

Công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy mới, cách ứng xử mới, đúng đắn về công tác quản lý lễ hội trong tình hình hiện nay. Trong các di sản văn hoá, cả vật thể lẫn phi vật thể, của tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay, lễ hội, rõ ràng là một vốn văn hoá mà chúng ta phải có trách nhiệm kế thừa và phát huy. Với nhận thức như trên, lễ hội có những mặt tích cực phải được giữ gìn, nhưng cũng có những mặt phải gạn lọc, phải loại bỏ trên hành trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thái độ của chúng ta đối với di sản văn hoá, trong đó có lễ hội là như lời Bác Hồ viết trong tác phẩm Đời sống mới: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm”.

Vấn đề đặt ra là nhận thức cho đúng những giá trị và những đặc điểm bản chất của lễ hội và tín ngưỡng gắn bó với lễ hội. Không phải ai cũng nhận thức đầy đủ giá trị và bản chất ấy. Không phải ai cũng biết tự đặt ra câu hỏi vì sao có lễ hội và vì sao con người lại gắn bó với lễ hội nhiều khi đến mức không thể dứt bỏ được. Cái khó cho nhận thức của chúng ta ở chỗ lễ hội là sáng tạo từ quá khứ và trong quá khứ. Bởi vậy, nhìn nhận lễ hội, nếu không đứng trên lập trường thế giới quan chủ nghĩa duy vật lịch sử, sẽ khó mà nhận thức đúng bản chất của lễ hội. Cũng như nhìn nhận về tín ngưỡng, không thể không nhận thức đầy đủ nguyên nhân nhận thức, trình độ khoa học, dân trí v.v..., nguyên nhân xã hội và tồn tại xã hội còn vô vàn những điều chưa giải thích, làm rõ được. Nhận thức không đúng, không thể có được ứng xử văn hoá, coi lễ hội là hành trang mặc dù trong hành trang ấy không phải mọi thứ đều tinh tươm đẹp đẽ, đều cần thiết cho chúng ta. Cái khó nữa là lễ hội gắn bó mật thiết với tín ngưỡng, như nhân dân ta thường nói: phi lễ bất thành hội. Tín ngưỡng là hiện tượng nhạy cảm, phức tạp, dễ ảnh hưởng với số đông người. Xử lý các vấn đề của lễ hội cũng tức là xử lý các vấn đề của tín ngưỡng. Chẳng hạn, xử lý vấn đề sư giả, chùa giả, động giả ở chùa Hương, nhìn qua hiện tượng bên ngoài, dường như đó chỉ là vấn đề vi phạm di tích lịch sử - văn hoá, phá vỡ cảnh quan của di tích nhưng không phải chỉ có thế. Đó còn là vấn đề tín ngưỡng, một vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp, và không phải ai cũng phân biệt được trong số những người vi phạm, đâu là chân tín, đâu là lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, làm điều xằng bậy.

Với những đặc điểm ấy, quản lý lễ hội đòi hỏi chúng ta phải có một tư duy đúng đắn, phù hợp với bản chất của lễ hội. Đã có một thời, do giản đơn và ấu trĩ, không ít người nghĩ rằng, có thể dùng mệnh lệnh, dùng các biện pháp hành chính là có thể nhanh chóng loại bỏ được những tàn dư lạc hậu,

những tàn tích của quá khứ. Cuộc tranh kéo dài hơn ba mươi năm, đi liền với nó là tư duy trong điều kiện nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp của một thời khiến cho lễ hội không thể phát triển bình thường. Vì thế, một số người nghĩ rằng bằng các mệnh lệnh là xoá hẳn được những tàn tích của quá khứ, là loại bỏ được những mặt trái của tín ngưỡng, của lễ hội. Thực tế cho thấy tín ngưỡng, lễ hội tồn tại lâu bền trong tâm thức con người có lúc âm ỉ, có lúc trỗi dậy một cách ồn ào, náo nhiệt. Sau nhiều năm lắng dịu, sự phát triển bột phát của lễ hội, tín ngưỡng ở nước ta như hiện nay đã chứng tỏ điều ấy. Trước sự trỗi dậy trở lại của lễ hội như vậy thì lại xuất hiện khuynh hướng dường như trái ngược với trước đây, cho phục hồi cái cũ một cách tràn lan, khiến cho một số nghi thức trở nên rườm rà, linh đình tốn kém, thậm chí tốn kém hơn cả như nó từng có trong quá khứ. Đây là sự buông lỏng, vô tình hay hữu ý, muốn dùng sự buông lỏng này để “sửa chữa” sự chặt chẽ của công tác quản lý lễ hội trước đây do duy ý chí, do ấu trĩ. Nhà triết học Hêghen nói: cái gì hợp lý thì tồn tại. Vì thế, thái độ cực đoan phiến diện trong công tác quản lý lễ hội đều không phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý lễ hội hiện nay.

Tính đến năm 2002, theo thống kê sơ bộ, có lẽ là chưa đủ, cả nước hiện có gần 6000 lễ hội theo các qui mô khác nhau, diễn ra chủ yếu vào mùa xuân. Ngoài các lễ hội tổ chức ở phạm vi làng xã còn có các lễ hội có qui mô một vùng, hoặc toàn quốc, kéo dài nhiều ngày, có tới hàng chục vạn, hàng triệu người cả trong nước, lẫn ngoài nước tham gia như lễ hội giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội chùa Hương, lễ hội núi Sam (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang), lễ hội Phủ Dày (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), lễ hội đền Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), lễ hội núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) v.v... Sự đa dạng, phong phú, giá trị nhân văn sâu sắc, cũng như những tàn dư lạc hậu trong các lễ hội đều đặt ra yêu cầu khiến chúng ta phải chọn lọc, kế thừa và phát huy mặt tích cực, loại bỏ mặt tiêu cực, phải làm thật tốt công tác quản lý lễ hội.

Trong mấy năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về văn hoá, trong đó có lễ hội được quan tâm hơn trước. Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ chính trị BCHTƯ khoá VIII và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, và lễ hội, ngày 23-8-2001, Bộ văn hoá - Thông tin đã ban hành Qui chế tổ chức lễ hội kèm theo Quyết định 39/2001/QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ văn hoá - Thông tin. Ngày 29-6-2001, Quốc hội khoá X đã thông qua Luật di sản văn hoá, đặt cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, trong đó có các lễ hội. Ngày 26-6-2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2001/NĐ-CP qui định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá thông tin. Ngày 31-11-2001, Thủ tướng Chính phủ lại ra Chỉ thị số 29/2001/CT-TTg về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương đã có công văn số 936/CV-TTVH ngày 18-2-2002 chỉ đạo các cấp lãnh đạo Đảng địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương. Vấn đề đặt ra là để những văn bản ấy phát huy được hiệu lực trong thực tiễn thì công tác tổ chức lễ hội phải được các cấp các ngành, trước hết là những người làm công tác quản lý văn hoá đặc biệt quan tâm. Thực tế đã chứng minh ý nghĩa của việc giải toả 42 điểm xây dựng trái phép ở Hương Sơn, từng làm nhức nhối dư luận, không chỉ có tác dụng trả lại cho di tích bộ mặt như nó vốn có, mà còn khẳng định hiệu lực của công tác quản lý nhà nước. Thực tế cũng chứng minh chúng ta hoàn toàn có khả năng tổ chức tốt những lễ hội có qui mô lớn như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Trường Yên (Ninh Bình), bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), núi Bà Đen (Tây Ninh) v.v..., điều đó không chỉ có tác dụng khẳng định vai trò của bộ máy quản lý nhà nước trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hoá dân tộc mà còn góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về truyền thống văn hoá của dân tộc. Thực tế cũng đã chứng minh nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số như lễ Katê của người Chăm ở miền Trung, lễ Chol Chnam Thmây của người Khơme ở Nam Bộ được Đảng bộ và chính quyền các cấp quan tâm, tổ chức chu đáo. Một số lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên được khôi phục là biểu hiện sinh động của những sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Các lễ hội cách mạng, lịch sử được hình thành, phát triển và tổ chức tốt ở nhiều địa phương như lễ hội làng Sen (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), lễ hội uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, nghĩa trang Việt Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), lễ hội thống nhất non sông ở sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị), Festival Huế 2002, lễ hội đền Bến Dược (thành phố Hồ Chí Minh) v.v... đã cho thấy bước tiến mới trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các cấp độ, qui mô và nội dung khác nhau.

Mặt khác, trong thời gian qua, chúng ta cũng đã dần đưa các hoạt động lễ hội vào nề nếp. Hầu hết các lễ hội đều thành lập Ban tổ chức. Mô hình Ban tổ chức lễ hội được thành lập phù hợp với qui mô và loại hình lễ hội. Nhờ thực hiện đúng qui trình tổ chức lễ hội theo Qui chế của Bộ Văn hóa - Thông tin, đồng thời có sự phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên trong Ban tổ chức lễ hội nên nhiều lễ hội có qui mô lớn đã khắc phục được về cơ bản nạn ùn tắc giao thông, vấn đề vệ sinh môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với sách báo mê tín và các ấn phẩm không được phép lưu hành, ngăn chặn, hạn chế các hoạt động buôn thần bán thánh, lợi dụng lễ hội để truyền đạo trái phép, giải quyết tương đối tốt nạn ăn xin, hành khất… Vì vậy, mặc dù số lượng người tham dự lễ hội năm nay tăng hơn so với năm trước nhưng do chuẩn bị tốt về điều kiện giao thông bến bãi, bố trí lực lượng hướng dẫn nên tại các lễ hội lớn đã đảm bảo được trật tự an ninh. Các hoạt động dịch vụ đi lại ăn nghỉ cho khách hành hương được đưa vào nề nếp hơn trước. Nhiều lễ hội trở thành điểm sáng du lịch văn hoá, phát huy được giá trị văn hoá của di tích, danh thắng. Nhiều sinh hoạt văn hoá ở làng quê được khôi phục, biến lễ hội trở thành ngày hội văn hoá ở địa phương.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực nói trên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc quản lý và tổ chức lễ hội còn nhiều bất cập, yếu kém. Không ít lễ hội bị buông lỏng quản lý, nặng về kinh doanh. Có địa phương tổ chức đấu thầu, khoán thu lễ hội, hàng quán dịch vụ tràn lan lấn di tích. ở nhiều lễ hội đặt hòm công đức tràn lan, đặt ra các khoản thu phí cầu đường, xe cộ không hợp lý. Cúng tiền công đức của cá nhân, các tổ chức chưa được sử dụng đúng mục đích cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích, còn buông lỏng công tác quản lý tài chính trong lễ hội, để cho một số người thu lời bất chính. Hiện tượng thắp hương, đốt vàng mã tràn lan, sắm sửa mâm lễ tốn kém trong ngày lễ hội, đôi khi cả ngày thường vẫn chưa giảm.

Nhiều người không phân biệt được giữa tình cảm tôn kính, biết ơn, nhu cầu bầy tỏ và phụng thờ các bậc tiền nhân có công giúp dân, giúp nước với sự mê tín dị đoan. Không ít người trong đời thường không quan tâm rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cá nhân, không chú trọng làm điều nhân nghĩa mà lại quá ham bói toán, dâng sớ, khấn lễ cầu xin cho mình những điều mà không chỉ thánh, thần, mà bất cứ người nào có lương tri đều không thể ưng thuận. Những người bất hiếu với cha mẹ, với nhân dân, bất tín với bạn bè, bất trung với nước… mà chỉ chăm lo nay đi chùa, mai đi lễ, cầu xin thăng quan tiến chức, thì chẳng những trái đạo đức cách mạng mà còn trái với đạo đức tôn giáo, tín ngưỡng.

Có không ít người lấy “mâm cao cỗ đầy” thay cho sự thành tâm, về điều này danh nhân Đặng Huy Trứ đã từng nói: nếu chỉ những ai có nhiều lễ vật cúng tế mới được hưởng phúc lộc của thánh thần, thì có lẽ những người nghèo khó đã chết hết từ lâu rồi.

Trước tình hình trên, một số địa phương, ngành văn hoá thông tin chưa phát huy được tốt vai trò chỉ đạo, quản lý của mình. Sự phối hợp giữa ngành văn hoá thông tin và ngành du lịch đối với các lễ hội chưa chặt chẽ, chưa tạo điều kiện để phát huy các giá trị văn hóa của các lễ hội, di tích.

Để công tác quản lý lễ hội ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả hơn, chúng ta cần giải quyết tốt các vấn đề sau:

Các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và ngành văn hoá thông tin từ trung ương tới cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ chính trị BCH TƯ (khoá VIII), chỉ thị số 14/1998-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và Thông tư hướng dẫn số 04/1998-TT-BVHTT của Bộ văn hoá - Thông tin. Đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội vào nội dung thi đua thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác sưu tầm, nghiên cứu lễ hội. Những năm qua, nhiều công trình sưu tầm về lễ hội đã ra mắt bạn đọc như công trình Lễ hội cổ truyền của Viện nghiên cứu văn hoá dân gian, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam của Tạp chí Văn hoá nghệ thuật v.v..., nhưng so với kho tàng lễ hội phong phú, giàu có của dân tộc, trách nhiệm của chúng ta còn rất nặng nề.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người có nhận thức ngày càng tốt hơn về vấn đề lễ hội. Đa dạng các loại hình ấn phẩm để giới thiệu, tuyên truyền về lễ hội, bên cạnh những ấn phẩm bằng tiếng Việt, còn có những ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài. Tận dụng những thế mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cái hay, cái đẹp của lễ hội, cũng như chỉ ra những yếu tố tích cực, lạc hậu cần phê phán, loại bỏ.

Tích cực nghiên cứu để đề xuất, xây dựng mô hình, mẫu hình lễ hội. Các mô hình, mẫu hình này phải kết hợp và phát huy được các yếu tố tích cực truyền thống và lịch sử, gắn liền yếu tố bản sắc độc đáo của từng lễ hội với yếu tố văn minh, hiện đại. Thông qua tổ chức lễ hội, cần nghiên cứu bổ sung các hình thức sinh hoạt văn hoá có tính chất quần chúng sâu rộng và lành mạnh như hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ: làng vui chơi, làng ca hát, tổ chức mừng công, báo công, khuyến học, khuyến tài, hội diễn hội thi thể dục thể thao v.v... Khuyến khích tổ chức các lễ hội lịch sử, cách mạng, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, uống nước nhớ nguồn như lễ hội làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An), lễ hội thống nhất non sông (Quảng Trị), lễ hội đền Bến Dược (thành phố Hồ Chí Minh) v.v...

Cuối cùng là vấn đề đào tạo cán bộ văn hoá thông tin bằng nhiều hình thức tập trung, tại chức, mở các lớp tập huấn v.v..., để nâng cao hiểu biết, năng lực quản lý lễ hội cho cán bộ ngành văn hoá thông tin.

Lễ hội là một di sản văn hoá phi vật thể đặc biệt. Công tác quản lý lễ hội trong giai đoạn hiện nay cần phải đổi mới cả về nhận thức lẫn tổ chức lễ hội. Thực tế cho thấy những cách nhìn, cách ứng xử cực đoan, phiến diện, hời hợt đối với lễ hội đều không thích hợp. Lễ hội là một hiện tượng văn hoá gắn liền với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế và sinh hoạt của con người. Lễ hội đã và sẽ còn tồn tại hết sức lâu dài trong đời sống xã hội. Lễ hội mang đến cho con người một vẻ đẹp văn hoá muôn màu muôn vẻ, là vốn văn hoá phong phú và lâu đời của cha ông để lại. Song, trong lễ hội chứa đựng cả những yếu tố tích cực và tiêu cực. Những người quản lý các hoạt động văn hoá cần biết gạn lọc, giữ gìn và phát huy những cái hay, cái tốt đẹp của lễ hội; hạn chế, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu trong lễ hội. Có như vậy, lễ hội mới trở thành hành trang tinh thần của chúng ta, là di sản văn hóa của các thế hệ tiền nhân truyền lại cho chúng ta. Và đó cũng chính là một vốn quý, một bộ phận không tách rời trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến - đậm đà bản sắc dân tộc./.

Tháng 8-2002

P.Q.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.