Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2009

Siêu thị và văn hóa chợ truyền thống

Siêu thị ở Việt Nam luôn sáng choang đèn điện với những lối đi mát rượi, sạch sẽ và vô số quầy hàng trưng bày hàng hóa phong phú. Nhân viên bảo vệ và nhân viên hướng dẫn luôn sẵn sàng trả lời bạn bất cứ câu hỏi nào một cách tận tình.

Nhưng sao có cái gì đó khiến tôi cảm thấy như thể không phải mình đang ở Việt Nam khi bước vào siêu thị. Đâu rồi bản sắc văn hóa của Việt Nam?

Siêu thị không có những nét truyền thống mà người ta có thể thấy ở chợ ngoài trời tại Việt Nam. Điều này khiến tôi lo ngại vì những khu mua sắm khổng lồ đang nuốt dần văn hóa Việt. Không chỉ tôi mà những người nước ngoài đến Việt Nam có lẽ đều cảm thấy có điều gì đó rất đặc biệt về những ngôi chợ truyền thống ở đất nước này.

Nhìn vào bất kỳ quầy hàng nào ở siêu thị, bạn cũng sẽ bị choáng ngợp bởi màu sắc và nhãn hiệu hàng hóa trên chai, lọ, lon, túi, hộp. Quá nhiều những “Thêm 20%”, “Thêm 50%”, “Ngon tuyệt”, “Hảo hạng”, “Được làm giàu với vitamin A và B”… và danh sách nếu kể thêm còn dài vô tận. Bạn sẽ quyết định thế nào đây? Trong siêu thị, sản phẩm phải tự nó bán nó, nhưng tại chợ, người bán hàng chính là người bán sản phẩm.

Chợ là nơi của những người bán hàng mau mắn và nhanh nhẹn, họ phải hiểu sản phẩm để giới thiệu và thuyết phục bạn mua hàng. Tôi thích mua thứ gì mà tôi có thể nghe người bán hàng rao trong không khí nhộn nhịp, đầy sức sống từ những sạp hàng… - một thứ gì đó thực sự được bán! Người ở chợ lao động để bán sản phẩm, nhưng tại siêu thị, những kỹ năng này phai nhạt dần.

Siêu thị sạch sẽ, đó là một lợi thế khiến nhiều người thích bước vào. Trong khi ở chợ hàng hóa được bày bán khá hỗn loạn, thịt treo trong nhiệt độ ngoài trời, ruồi nhiều, chuột cống cũng nhiều, những sạp hàng tươi có vẻ không được vệ sinh lắm. Nhưng cũng bởi vì những hệ thống làm lạnh, bao bì đóng gói tưởng như vô trùng trong siêu thị lại chứng tỏ một điều rằng thực phẩm trong siêu thị rõ ràng không thể nào tươi bằng ở chợ!

Và vì thực phẩm để ngoài trời dễ hư hơn trong siêu thị nên thực phẩm được mang ra bán ở chợ cần phải tươi và mới mỗi ngày. Thức dậy lúc ba rưỡi, bốn giờ sáng, bạn sẽ thấy rất nhiều xe ba gác, xe gắn máy đi vào thành phố kéo theo nào những trái cây, rau tươi, mì, bún và nhiều thứ khác để bán ở chợ trước khi những người đi chợ sớm đến quầy hàng quen.

Với sự xuất hiện đầy tính cải tiến của siêu thị, những người bán lẻ (mà ở tiếng Anh gọi là “những người nhỏ”) trở nên không cần thiết trong hệ thống chuyên nghiệp ấy. Tất cả những hoạt động nông trại nhỏ cùng với những hoạt động giao thương nhỏ hầu như không được tính đến trong hệ thống để duy trì sự tươi mới của thực phẩm bán tại siêu thị. Siêu thị có những tiện ích bảo quản, máy lạnh cỡ lớn và bán sản phẩm ở một quy mô lớn. “Những người nhỏ” trở nên vô dụng đối với hệ thống lớn.

Về giá cả, ở siêu thị luôn bán đúng giá niêm yết. Đây cũng được xem là một ưu điểm nữa vì người mua hàng không sợ bị hớ, bị lừa. Nhưng đó là chi tiết đi ngược với truyền thống thích trả giá của người Việt. Đối với những thế hệ trước, đó là một thử thách, một trò chơi mà họ là người quyết định thắng thua. Vui chứ, tại sao không nhỉ?

Trả giá là một kỹ năng xã hội mà nhiều người sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu nó. Đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường, kỹ năng mua bán và cơ hội cho người bán hàng biết được khẩu vị của người mua hàng. Đó là một trò thể thao đầy tính tương tác, cạnh tranh và tính khuyến khích! Xét về khía cạnh này, siêu thị kém xa. Khách hàng ở siêu thị không cần phải nói một lời. Điều duy nhất người bán hàng nói là giá tiền. Chi tiết đó không mang tính xã hội chút nào.

Khi chợ đang ở trong danh sách “đỏ”, không ai có thể đoán được tuổi thọ của chợ trong thời buổi này. Nhưng việc mất đi nét văn hóa chợ truyền thống sẽ dẫn đến sự mất mát văn hóa của người dân địa phương. Chính văn hóa địa phương ấy là thứ gắn chặt và làm nên thói quen kinh tế, xã hội của người Việt. Liệu người Việt Nam có để điều quý giá này ra đi?

Theo DREW TAYLOR
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Rất cám ơn bạn đã có ý kiến đóng góp cho chúng tôi.
Quản trị viên.